Cụ thể, nếu giai đoạn 2010 - 2013, tỷ lệ hấp thụ ròng sàn văn phòng tại Đông Nam Á tăng trung bình 8%/năm, thì giai đoạn 2014 - 2016, tỷ lệ này chỉ đạt 5,5% do khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, theo JLL, nhu cầu văn phòng đã dần phục hồi trong năm quý vừa qua. Trong quý I/2018, hấp thụ ròng sàn văn phòng trong khu vực đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 quý gần đây nhất, Jakarta (Indonesia) và Singapore cho thấy tỷ lệ hấp thụ ròng văn phòng ấn tượng. Và dù cả hai thị trường đều có nguồn cung dồi dào trong năm 2016 - 2017, nhưng khả năng hấp thụ cũng rất tốt.
Theo JLL, nguyên nhân là bởi nhiều công ty di dời văn phòng đến những tòa nhà mới hơn, được xây từ năm 2017 trở đi. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn thì lấp đầy vào những khoảng còn trống trong khi nhiều tòa nhà cũ đã được điều chỉnh quy hoạch cho các mục đích sử dụng khác.
Điển hình như Singapore, nhiều thương vụ lớn từ các công ty công nghệ đình đám đã hoàn thành trong 2017, bao gồm Facebook và Grab với diện tích thuê lần lượt 23.300 m2 và 9.300 m2 tại tòa nhà Marina One.
Không gian làm việc linh hoạt của khu vực cũng đang tăng trưởng nhanh chóng. Tại Singapore, không gian làm việc linh hoạt chiếm 2,8% diện tích sử dụng văn phòng, chỉ số tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt hơn 30% trong ba năm vừa qua.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi nhiều nhà đầu tư như Toong, NakeHub hoặc DreamPlex đang tìm kiếm các không gian để mở rộng hoạt động tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL nhận định: "Không gian linh hoạt không chỉ đem lại môi trường làm việc năng động cho giới trẻ, mà còn giúp giảm chi phí vận hành văn phòng và nguồn lực. Không gian linh hoạt có giá thuê thấp hơn, nhiều tiện nghi hơn so với văn phòng truyền thống cho các doanh nghiệp trẻ”.