Nhiều chiêu “lách” để giảm phí
Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản dưới 30 triệu USD, theo quy định tại Thông tư 220/2010/TT-BTC thì được áp dụng mức phí đóng 0,14% (chưa bao gồm VAT), cho phép giảm phí tối đa 25%.
Nhưng có một loại bảo hiểm tương tự, Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt hoặc mọi rủi ro tài sản (có bao gồm cả cháy, nổ bắt buộc) cũng phải áp dụng theo Thông tư 220 nhưng quy định mở hơn. Cụ thể, đối với mỗi tài sản được bảo hiểm tại một địa điểm có tổng số tiền bảo hiểm có giá trị từ 30 triệu USD trở lên trong một đơn bảo hiểm, phí bảo hiểm sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thoả thuận trên cơ sở được các nhà tái bảo hiểm chấp thuận.
Đây là cơ sở để các doanh nghiệp khi cấp đơn bảo hiểm đưa mức phí xuống rất thấp, theo cơ chế thỏa thuận.
Một cựu nhân viên ngành bảo hiểm chia sẻ, với những đơn bảo hiểm hàng triệu USD, rất nhiều doanh nghiệp vào chào bán. Để giành được hợp đồng thì các doanh nghiệp dùng đủ mọi phương thức, từ quan hệ lãnh đạo tới quan hệ nhân viên, chưa kể có trường hợp khá nguy hiểm nếu rủi ro xảy ra.
Chẳng hạn, cán bộ khai thác bảo hiểm, thậm chí nhân viên thẩm định cấp đơn sẽ hướng dẫn tư vấn cho khách khai mã ngành nghề lệch đi một chút để né ngành nghề có mức phí cao; và có không ít trường hợp khai sai ngành nghề để hưởng mức phí bảo hiểm thấp.
Ngoài ra, vẫn có trường hợp khách hàng thông đồng với doanh nghiệp bảo hiểm chỉ mua cháy nổ bắt buộc cho một hạng mục rủi ro nào đó, còn lại là mua dưới hình thức bảo hiểm cháy nổ tự nguyện để mức phí thậm chí còn giảm gần đến mức giá nào cũng “chơi”.
Các chiêu này đã phổ biến suốt nhiều năm qua, không chỉ ở mảng bảo hiểm tài sản giá trị lớn mà cả những đơn bảo hiểm giá trị nhỏ hơn nhiều như bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm học sinh…
Động thái trên rõ ràng là vi phạm bởi trước tiên phải áp dụng đúng phí bắt buộc theo quy định, sau đó mới cộng thêm phí bảo hiểm đối với bảo hiểm cháy nổ tự nguyện (bảo hiểm các rủi ro đặc biệt/mọi rủi ro tài sản). Và để xử lý vi phạm cũng đã có chế tài xử phạt.
Tuy nhiên, theo phó tổng phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp phi nhân thọ, chỉ vì cạnh tranh, nhân viên kinh doanh bảo hiểm biết nhưng vẫn cố tình làm, và quan trọng hơn dù áp dụng không đúng nhưng vẫn được các khách hàng chấp nhận và nếu có bị cơ quan quản lý xử phạt thì các doanh nghiêp chấp nhận chịu phạt (nhiều khi mức phạt không đáng kể so với phí nếu mua đúng và đủ).
Do đó, việc cạnh tranh hạ thấp phí theo quy định xảy ra thường xuyên.
Cạnh tranh năm qua theo các chuyên gia đã không còn "thô bạo" như trước, theo kiểu các doanh nghiệp bớt tố nhau cạnh tranh không lành mạnh nhưng thực tế trên thị trường, mức độ cạnh tranh không những không thuyên giảm mà còn bị đẩy lên rất cao, không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ mà còn trong mảng bảo hiểm nhân thọ, không chỉ giữa các doanh nghiệp, thậm chí giữa các đại lý cùng một doanh nghiệp với nhau. Ở khối phi nhân thọ, năm qua vẫn xuất hiện chiêu cũ là can thiệp mua bảo hiểm, đặc biệt là mua bảo hiểm sức khỏe, học sinh…
Hệ lụy nào đối với nhà tái bảo hiểm?
Đối với nhà bảo hiểm gốc là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, hệ lụy giảm phí “thô bạo” là ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách hàng, hiệu quả kinh doanh của nghiệp vụ bảo hiểm, khó khăn khi xảy ra tranh chấp…
Chuyện này đã được nhắc trong nhiều năm vừa qua, nhưng trong năm nay, có một câu chuyện được nói tới nhiều đó là việc nhiều hợp đồng bị các hãng tái bảo hiểm từ chối nhận tái, hoặc nhận nhưng nâng phí.
Trên thực tế, trong số các nghiệp vụ có tái bảo hiểm thì nghiệp vụ bảo hiểm tài sản - kỹ thuật, hàng không, thân tàu… đều là các nghiệp vụ tái bảo hiểm đi chủ yếu, doanh nghiệp bán bảo hiểm chỉ giữ lại một tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, trách nhiệm liên quan đến nhà tái bảo hiểm (thường là quốc tế) trong những trường hợp thế này là khá lớn.
Với những trường hợp giảm phí kiểu này, nhà tái bảo hiểm nếu biết được chắc chắn sẽ có những phản ứng mạnh. Theo một chuyên gia trong ngành, với các trường hợp có nghi ngờ, thông thường nhà tái bảo hiểm sẽ từ chối nhận tái bảo hiểm, tuy nhiên do các chiêu trò tinh vi mà đôi khi nhà tái bảo hiểm nước ngoài bị qua mặt. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ xử lý hậu quả.
Cần áp dụng cơ chế phí dựa trên mức độ rủi ro. Ảnh: Dũng Minh
Với các hợp đồng tái cố định, khi rủi ro xảy ra, nhà tái bảo hiểm thường sẽ đồng ý với giải quyết của công ty bảo hiểm gốc, tuy nhiên nếu họ phát hiện ra có “gian lận”, nhà tái sẽ đánh giá năng lực thẩm định rủi ro và quản lý rủi ro của công ty bảo hiểm gốc là kém do đó họ có thể sẽ giảm hoa hồng tái bảo hiểm cố định tỷ lệ hoặc phí tái tục các hợp đồng XOL sẽ tăng lên nhiều.
XOL là hợp đồng tái bảo hiểm mà công ty bảo hiểm gốc ấn định một mức bồi thường cho công ty mình, vượt quá mức bồi thường đó thì nhà tái bảo hiểm sẽ bồi thường cho công ty bảo hiểm gốc phần vượt quá, gần giống mức miễn thường trong hợp đồng bảo hiểm.
Cần thiết lập mặt bằng phí mới
Làm thế nào để hạ nhiệt cạnh tranh bằng giảm phí theo kiểu “thô bạo”, theo các chuyên gia, một trong những cách cần làm sớm đó là thiết lập một bằng phí phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau, nhất là với khách hàng “sạch” (không có lịch sử tổn thất).
Theo ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đã đến lúc cần áp dụng mức phí tốt, cụ thể là hạ phí đối với các khách hàng nhiều năm liền không xảy ra rủi ro, không đòi bồi thường gì.
“Với lĩnh vực bảo hiểm ô tô, việc tính phí bảo hiểm như nhau với mọi chủ xe có xe hay bị tại mỗi năm, thậm chí trong mội năm xảy ra nhiều vụ tai nạn là đối xử không công bằng với khách hàng có nhiều năm liên tiếp không để xảy ra tại nạn.
Đây là vũ khí cạnh tranh tích cực thu hút khách hàng và giữ được khách hàng truyền thống, không sợ doanh nghiệp khác lôi kéo vì quyền lợi giảm phí và thưởng lãi ngày càng tăng”, ông Lộc nói và cho biết thêm, việc hạ phí cho khách hàng “sạch” sẽ góp phần khuyến khích chủ xe tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ích nước lợi nhà.
Thực ra, giảm phí cho các năm tái tục hợp đồng khi mức bồi thường thấp là cơ chế bán phổ biến ở các nước và đã được một vài doanh nghiệp áp dụng tại Việt Nam (như Liberty), nhưng áp dụng đại trà là chưa. Sự bất cập nằm ở hệ thống công nghệ thông tin chưa tốt, hệ thống quản lý bán hàng của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp.
Từ năm 2018, cơ hội sẽ mở ra với nhiều nghiệp vụ bảo hiểm như tài sản, ô tô, khi thuế nhập khẩu xe của các nước ASEAN bằng không, sau đó áp dụng với các nước khác từ 2025. Giá xe sẽ tiếp tục hạ, thu nhập người dân ngày càng cao lên, số lượng xe tăng, dẫn đến nhu cầu bảo hiểm lớn, nếu không sớm xây dựng chính sách phí hợp lý cùng các điều kiện liên quan thì câu chuyện cạnh tranh sẽ càng trở nên thô bạo.
Trong khi đó, thị trường cũng như tại từng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu thực sự (ghi nhận doanh thu, bồi thường). Ngay cả cùng một doanh nghiệp, các công ty thành viên trực thuộc cũng không biết trước đây xe đó có xảy ra rủi ro nào không, có bị bồi thường không. Vì vậy, chuyện áp mặt bằng phí mới vẫn chỉ là ước ao.