Chuyện “băm đôi” thuế đến tai Chính phủ
Theo cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 9 tháng đầu năm 2013, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 62,5% so với dự toán năm… Đây là kết quả thu NSNN khá thấp so với dự toán.
Với diễn biến thu NSNN tính đến nay, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cảnh báo nguy cơ hụt thu NSNN năm nay đang hiển hiện. Đây là diễn biến mới, tác động tiêu cực đến nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ nguy cơ hụt thu NSNN lại căng thẳng như năm nay. Độ nóng của sự căng thẳng này thể hiện qua việc Chính phủ đang chuẩn bị phương án trình Quốc hội nâng trần bội chi NSNN từ 4,8% trong năm nay lên 5,3% trong năm tới, để có thêm tiền chi cho đầu tư phát triển. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, thông tin Bộ trưởng Bộ Tài chính có kiến nghị giảm lương tối thiểu để giảm áp lực chi NSNN, nhưng không được Chính phủ chấp thuận, cũng một phần thể hiện sự bức bách này. Rất nhiều địa phương chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… hiện thu không đạt tiến độ như dự toán.
Vì tình trạng trên mà chuyện làm thế nào để giảm thiểu thất thu NSNN, đang là vấn đề nóng, nếu không muốn nói là một trong những chuyện nóng nhất trong diễn biến kinh tế vĩ mô năm nay. Hẳn đây cũng sẽ là chủ đề thu hút mối quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới đây.
Chưa bao giờ nguy cơ hụt thu NSNN lại căng thẳng như năm nay
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, một thông tin đáng chú ý được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, là khi thảo luận về tình hình kinh tế, thu chi ngân sách, có thành viên Chính phủ thẳng thắn dùng từ rất đời thường để phản ánh tình trạng cán bộ thuế và DN “băm đôi” tiền thuế, gây thất thu cho NSNN. Chống thất thu không chỉ là để tăng thu NSNN trong lúc khó khăn này, mà còn đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
“Tình trạng cán bộ thuế móc ngoặc với DN để ‘băm đôi’ tiền thuế, gây thất thu cho NSNN không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thu NSNN rất khó khăn như năm nay, tình trạng này càng gây bức xúc”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, đồng thời cho rằng, mạnh tay hơn trong xử lý cán bộ thuế và DN có hành vi “băm đôi” tiền thuế là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay, nhằm giảm thiểu thất thu cho ngân sách.
Tất nhiên, để phát hiện và xử lý tình trạng này không dễ, bởi cán bộ thuế và DN đều “rất có nghiệp vụ” trong việc lách các quy định của Nhà nước để trốn thuế. Do vậy, để xử lý hiệu quả tình trạng trên, theo ông Long, trước mắt, Bộ Tài chính cần tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra. Hoạt động này không chỉ tập trung ở phía DN, mà cần đặc biệt lưu ý đến kiểm soát nội bộ trong đội ngũ cán bộ thuế. Về dài hạn, muốn ngăn chặn hiệu quả hành vi cán bộ thuế tiếp tay cho DN trốn thuế, gây thất thu lớn cho NSNN, các quy định pháp lý cần bổ sung, hoàn chỉnh theo hướng áp dụng các chế tài xử lý hình sự mạnh tay đối với các cán bộ thuế vi phạm.
Tìm thêm nguồn thu
Cùng với các biện pháp trong ngắn hạn như tăng cường thanh, kiểm tra, nhằm xử lý triệt để các hành vi trốn, nợ đọng thuế, các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu sức ép cho tình trạng hụt thu, hướng đến tăng thu bền vững, ngay từ bây giờ cần triển khai các biện pháp nhằm phát triển thêm các nguồn thu mới cho NSNN.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ hữu quan và Đại biểu Quốc hội quan tâm thúc đẩy triển khai 5 giải pháp nhằm tăng thu cho NSNN. Trong đó có đẩy nhanh cổ phần hóa, bán tiếp cổ phần nhà nước tại các DN lớn đã cổ phần hóa như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải pháp Sài Gòn, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Vinamilk… Làm tốt việc này có thể thu về khoảng 5 tỷ USD cho NSNN.
Ông Long nhìn nhận, muốn tăng thu cho NSNN, một giải pháp rất quan trọng hiện nay mà Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo là thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Cần kiên quyết cho giải thể, phá sản các DN làm ăn không hiệu quả, để quá trình phân bổ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội sớm tìm đến các kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời tốt và bền vững hơn.
Để góp phần tăng thu cho NSNN, VAFI còn đề xuất, cần đưa kinh doanh vàng miếng, vàng nhẫn vào đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi đây là hàng hóa xa xỉ; bán đấu giá quyền sử dụng các khu đất “vàng” tại Hà Nội, TP. HCM…
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, Quốc hội, Chính phủ cần sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế có tiềm năng phát triển mạnh hơn, cũng như khuyến khích các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ mới, để tăng thu cho NSNN. Một trong những ngành cần khuyến khích phát triển hơn nữa là chứng khoán. Cần có chính sách để chứng khoán trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó, thu hút NĐT trong và ngoài nước tham gia TTCK nhiều hơn, phát triển hệ thống dịch vụ mới đa dạng hơn, trên cơ sở đó đóng thuế nhiều hơn cho NSNN.
“Việc sớm đưa TTCK trở thành kênh bơm vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, sẽ góp phần giảm thiểu bất ổn vĩ mô do nền kinh tế và DN quá phụ thuộc vào nguồn vốn của hệ thống ngân hàng như hiện tại. Điều này sẽ góp phần giải tỏa một trong những điểm nghẽn lớn nhất của DN hiện tại, là đáp ứng nhu cầu vốn với chi phí thấp, giảm bớt áp lực trả nợ trong thời gian ngắn, qua đó giúp DN kinh doanh hiệu quả hơn và đóng thuế nhiều hơn cho NSNN”, ông Hải nói.