Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với công tác đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, đặc biệt, tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết.
“Có in tiền mới, nhưng không đưa tiền nhỏ lẻ mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông trong dịp Tết Âm lịch. Tuy nhiên, vẫn đưa tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (đã qua sử dụng)", ông Tú cho biết.
Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ thông tin cho biết, do Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đến sớm hơn so với mọi năm, nên ngay từ đầu tháng 12/2016, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện công tác điều chuyển tiền mặt từ Trung ương tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao mức dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, trong đó ưu tiên điều chuyển đến các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, có mức thu - chi tiền mặt cao và tập trung nhiều máy ATM như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…
Có thể khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
- Ông Nguyễn Chí Thành,Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ thông tin.
“Đến nay, công tác điều chuyển tiền mặt đang được thực hiện một cách khẩn trương, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/01/2017”, ông Thành nhấn mạnh
Ông Thành cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp nếu có nhu cầu chi tiền mặt đột biến.
"Có thể khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông để phục vụ yêu cầu thanh toán trong nền kinh tế", ông Thành nói.
Liên quan đến việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, đúng mục đích trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, ông Thành cho biết, từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam, đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được sự đồng thuận của người dân.
Đổi tiền lẻ mới là nhu cầu có thật trong mỗi dịp Tết
“Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương này lên đến 1.900 tỷ đồng”, ông Thành thông tin.
Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm. Cụ thể, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành phố để chi ra lưu thông.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm về việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in còn nguyên seri từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tăng cuờng công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý...