Là một DN chuẩn bị bước vào cuộc cạnh tranh thử lửa lớn nhất trong tiến trình hội nhập, ông đánh giá thế nào về các cơ hội cũng như thách thức đang chờ đợi DN Việt Nam tới đây?
Tôi cho rằng có rất nhiều cơ hội lớn đang chờ đón các DN Việt Nam ở phía trước. Thứ nhất, đó là được tiếp cận với các cơ hội đầu tư, thu hút dòng vốn lớn từ các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam vươn tới các cơ hội đầu tư và tiếp cận những thị trường tiềm năng bậc nhất trên thế giới. Từ đây, hàng hóa Việt Nam sẽ có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường toàn cầu ở quy mô lớn với cùng một tiêu chuẩn thống nhất.
Bên cạnh đó, bản thân các DN được tiếp cận với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của nhiều tập đoàn lớn của thế giới, được cùng tham gia với họ trong một sân chơi lớn toàn cầu, được chia sẻ học hỏi các kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa DN, cải cách thể chế, từ đó, nâng cao trình độ quản trị, đổi mới công nghệ hướng tới chuyên nghiệp hóa theo tiêu chuẩn chung toàn cầu.
Đây là những cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam để thu hẹp dần khoảng cách so với DN nước ngoài. Đây cũng có thể là một cuộc lột xác đầy khó khăn đối với DN Việt Nam. Song nhìn về tương lai lâu dài, đây là con đường duy nhất để cộng đồng DN Việt thực sự lớn mạnh và phát triển bền vững.
Với TPP vừa kết thúc đàm phán, ông nhận định thế nào về cơ hội từ Hiệp định vốn được đánh giá là có độ mở lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia?
DN Việt cần chuẩn bị những gì cho vận hội này?
Tham gia TPP là gia nhập sân chơi toàn cầu, nơi cạnh tranh thực sự quyết liệt, nhưng cũng rất minh bạch và công bằng.
Tôi cho rằng, cái lợi lớn nhất khi tham gia TPP là được một thị trường hết sức rộng lớn với hơn 800 triệu dân của 12 nước TPP, theo đó có thể thực sự tạo bước đột phá đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu.
Trước đây, ta chỉ xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, họ chững lại là ta gặp khó khăn. Nhưng nay thị trường đã mở rộng, vấn đề là ta phải có kế hoạch chủ động nắm bắt thị trường, đưa hàng hóa ra để tiếp thị và cạnh tranh, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống quản lý đạt thông lệ quốc tế để tiêu chuẩn hóa trong DN, cải tiến công nghệ…
Ngoài ra, cái không thể thiếu được trong tố chất DN Việt là cần có khát vọng đam mê đột phá, thái độ cầu thị trong hợp tác với các DN nước ngoài để hòa nhập sân chơi chung. Với nỗ lực này, cùng sự hậu thuẫn của Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách và thể chế thuận lợi, minh bạch, tôi cho rằng, DN Việt hoàn toàn có thể biến cơ hội từ TPP thành lợi ích hiện thực.
Vậy, Tập đoàn Hương Sen đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng đón nhận thời cơ này, thưa ông?
Bản thân Hương Sen đã nhận thức xu thế hội nhập và sự cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu là tất yếu, nên đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trước từ lúc xây dựng nhà máy. Tập đoàn đã đưa các thiết bị tiên tiến hiện đại từ các quốc gia tiên tiến như Đức, Nhật, đã và đang sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đài Loan, châu Âu.
Chúng tôi tự hào đã xây dựng được bản sắc văn hóa DN, xây dựng tác phong công nghiệp cho CBNV, tạo động lực hứng khởi để họ hoàn thành tôt nhiệm vụ, làm cho công nhân tự tin gắn bó yêu mến DN, đồng hành cùng DN phát triển.
Tập đoàn cũng đã xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, áp dụng hệ thống phần mềm quản lý thông tin tự động như IRP, Oracle, để quản lý dữ liệu thông tin DN hiệu quả, toàn bộ công nhân đảm bảo đúng quy trình 5S (sắp xếp, sửa soạn, sàng lọc, sẵn sàng, sạch sẽ) giúp tiết kiệm tối đa chi phí, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về trình độ quản lý, đào tạo nhân lực chất lượng cao, quảng bá hình ảnh tiếp cận khách hàng…
Với ý thức sẵn sàng chuẩn bị từ nhiều năm nay nên đến nay, DN đã có chỗ đứng trên thị trường VN và đã vươn ra được nhiều thị trường lớn trên thế giới, tạo nền tảng vững vàng cho cạnh tranh. Do đó, chúng tôi sẵn sàng đón nhận cơ hội từ thị trường 800 triệu dân của 12 quốc gia TPP.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm sâu sắc nhất trên thương trường để sẵn sàng tâm thế bước vào “trận chiến” mới?
Với bất kỳ doanh nhân, doanh nghiệp nào, kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhiều lúc cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Vì vậy, phẩm chất đầu tiên doanh nhân cần có là kiên trì, nhẫn nại, bản lĩnh, không ngại khó ngại khổ, phải có lòng đam mê và quyết tâm cao cùng khát vọng vượt khó vươn lên, đặc biệt bình tĩnh xử lý thông minh nhất trong lúc khó khăn.
Bản thân Tập đoàn Hương Sen trong 30 năm xây dựng trưởng thành đã từng có thời điểm đứng trước nguy cơ không thể vượt qua. Bài học tôi đúc rút ra từ những thời điểm bĩ cực này là, phải bình tĩnh nghiên cứu tìm kiếm giải pháp và đầu tiên phải nỗ lực với chính bản thân mình, không thoái lui.
Bên cạnh đó, cần xây dựng định hướng kinh doanh nhất quán và xuyên suốt của DN, kết hợp sức mạnh đồng thuận nhất trí của toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên để tạo động lực yên tâm gắn bó của họ cùng đồng hành cùng xây dựng DN lớn mạnh và phát triển bền vững.