Hơn một năm trước đây, những người Việt thận trọng nhất cũng không nén được sự phấn chấn và niềm lạc quan trước những báo cáo đầy những “tính từ" đẹp như tranh vẽ của không biết bao nhiêu tổ chức, định chế tài chính - ngân hàng từ lớn đến bé, từ gần đến xa. Nào là Việt Nam sẽ là hiện tượng kinh tế, là con hổ mới ở châu Á, là bài học lớn nhất về sự thành công cho các nước đang phát triển... Dạo đó, có một chuyên gia kinh tế trong niềm lạc quan chung cũng chỉ nhẹ nhàng mà rằng, nên phấn chấn vừa phải thôi. Bởi thói thường, khách đến nhà chỉ trò truyện ở phòng khách, chứ mấy ai “lần mò” vào bếp núc xem thùng gạo đầy hay vơi! Và cũng chả mất gì mà người ta không buông vài tiếng khen cho đẹp lòng gia chủ...
Câu chuyện trên TTCK cũng chẳng khác là bao. Vào những ngày mà nhà đầu tư ngoại với “túi lớn, túi bé” lũ lượt chờ xé vé vào cổng thì “tiếng lành” về một thị trường mới nổi cũng lan khắp thế giới. Tấm gương của nhiều quỹ đầu tư với “một vốn mười mấy lời” và những lời khẳng định về sự đầu tư dài hạn, chẳng khác gì những “liều đô-ping tinh thần” đưa “những chú nai vàng ngơ ngác” vào khám phá cái chợ mua - bán “tài sản trên giấy” đầy hấp dẫn nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt...
Thế nhưng, vào cái đận khó khăn gần đây thì khác hẳn. Các cụ bảo “dậu đổ bìm leo”, ứng vào câu chuyện này thì cũng có đôi chút khập khiễng (vì dậu vẫn còn sâu rễ bền gốc lắm!), nhưng chẳng phải không có lý do. Vài tháng nay, cả những người đã “gửi” hết gia sản trên TTCK, lẫn những kẻ còn đang “tọa sơn quan” cũng cảm thấy có chút gì bất nhẫn, bởi có bao nhiêu cái báo cáo về TTCK và nền kinh tế Việt Nam là có vẻ như có bấy nhiêu cái “bĩu môi” dài thượt. Hình như bao nhiêu điều tốt đẹp đã được dành cho buổi ban đầu. Bây giờ, chỉ còn lại những lời khiến người ta có đôi chút cảm nhận dư vị của... một cuộc tình bị phản bội.
Đến một người khá “trung dung” như ông Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng UNDP tại Hà Nội cũng phải thốt lên rằng, các tổ chức như Morgan Stanley, Merrill Lynch hay JP Morgan đã tô đậm hình ảnh Việt Nam quá mức vào năm ngoái để rồi năm nay đưa ra đánh giá ảm đạm.
Ông này còn ví von: “Họ từng nói về một Việt Nam như con hổ mới Á châu, sự kỳ diệu mới trong phát triển kinh tế châu Á, tức là tựa như tâm lý tuổi mới lớn, lúc thì yêu hết mình, lúc thì chỉ như muốn tự vẫn ngay lập tức”.
Và trong khi nhiều đánh giá với dư vị “chát” được đưa ra, thì không thiếu chuyên gia độc lập uy tín lại có vẻ lạc quan. Ông Lawrence Greenwood, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) khẳng định: “Tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp cần thiết để kiểm soát lạm phát và tăng trưởng bền vững. Tôi đồng tình với các biện pháp mà họ đang đưa ra”.
Đồng thời, ông Greenwood cũng cho rằng: “Dự báo là công việc khó thực hiện, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường trong nhiều tháng nay”.
Đúng như ông phó chủ tịch ADB đã nói, trong một hoàn cảnh mà cả thế giới đang “điên đầu” vì giá dầu mỗi ngày phá thêm một kỷ lục thì dự báo dường như là một công việc bất khả. Bởi nếu thực sự đoán định được nhiều điều như thế thì Merrill Lynch đã không bị thiệt hại tới 15 tỷ USD do các khoản nợ xấu liên quan tới đầu tư thế chấp, Morgan Stanley đã không “thủng túi” tới 3,7 tỷ USD vì dính vào cơn bão cho vay cầm cố…
Lại nghe rằng, một số công ty đánh giá tín nhiệm danh tiếng hiện đang gặp nhiều rắc rối, sau khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) điều tra hoạt động của họ vì nghi ngờ các công ty này đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá tình hình tài chính của thị trường nhà đất Mỹ. Và trước đó, ai cũng biết rằng, các công ty đánh giá tín nhiệm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch… cũng “hớ” nặng vì không phát hiện ra vấn đề tại Enron và WorldCom.
Và người ta cũng có quyền nghi ngờ về việc “nói không đi đôi với làm”, không ít định chế tài chính - ngân hàng ngoại, đi cùng với những đánh giá bi quan về TTCK Việt Nam là những thương vụ thâu tóm hàng chục triệu cổ phiếu của công ty này, doanh nghiệp kia trong nước. Vậy thì điều này nên được gọi là gì? Thế nên, người ta có quyền nghi ngờ động cơ, hoặc ít hơn là tâm lý xu thời, gió chiều nào xoay chiều ấy của không ít tác giả những báo cáo trên đây. Biết đâu đấy, cái tâm lý “khi vui thì vỗ tay vào” vốn chẳng phải là “đặc sản” của riêng ai.
Dù sao, thái độ “phụ bạc” này cũng khiến chúng ta nên nhìn lại mình. Một nhà nghiên cứu kinh tế có tuổi thủng thẳng cho rằng, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, đã cho rằng người ngoài không hiểu, thì cũng nên xét lại xem mình đã thực sự mở lòng ra với họ chưa. Có thể điều trên có đôi chút võ đoán, nhưng sự thật là, trong thời buổi này, mấy ai có thể “hữu xạ tự nhiên hương”...