Văn hóa kinh doanh "trách nhiệm, vì cộng đồng" không còn là lời cổ động

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam cho rằng, doanh nhân Việt thấy rõ xu thế của một xã hội nhân văn, trách nhiệm hơn.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam

Thưa ông, ngày hôm nay (24/11) diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Ba. Cách đây hơn 1 tuần, vào ngày 10/11, Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lần thứ sáu cũng đã diễn ra. Nhân dịp này, để nói về văn hóa doanh nghiệp Việt, ông muốn chia sẻ điều gì?

Có thể hiểu văn hóa là cách người ta đối xử với các thành viên khác trong xã hội và đối xử với thiên nhiên, môi trường. Văn hóa doanh nghiệp là cách các thành viên trong doanh nghiệp đối xử với nhau, với khách hàng, đối tác, xã hội nói chung và với thiên nhiên môi trường.

Doanh nghiệp như một cơ thể sống và khi môi trường thay đổi, văn hóa doanh nghiệp cũng thay đổi theo.

Chúng tôi tin là xã hội đã nhìn thấy, cảm nhận được những thay đổi rất lớn trong trái tim và khối óc của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Covid-19 là một thử thách không ai mong đợi, nhưng cũng vì bối cảnh đặc biệt mà trách nhiệm của người kinh doanh được định hình rõ nét trong xã hội mà tinh thần đùm bọc, sức vươn lên mạnh mẽ của người Việt chính là sợi dây gắn kết.

Đó là trách nhiệm với người lao động và gia đình; là trách nhiệm với đối tác, bạn hàng và trách nhiệm với đất nước, với sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, trách nhiệm này được định hình từ tâm của những người kinh doanh trong vai là một người Việt Nam.

Cách đây 9 năm, khi thành lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình vào năm 2013, chúng tôi cũng đã xác định nhiệm vụ cần định hình và phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, chúng tôi muốn tìm kiếm và tạo nên dấu ấn của doanh nghiệp Việt trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, như là nói đến doanh nghiệp Nhật là nói đến sự chỉn chu, tin cậy, tận tụy; nói đến doanh nghiệp Trung Quốc là mối liên kết chặt chẽ trong nội bộ…

Nhưng thực sự, không phải dễ để làm được điều này, dù chúng ta đang có những doanh nghiệp Việt trẻ, năng động, sáng tạo, mong muốn đóng góp nhiều cho nền kinh tế, cho đất nước.

Khi đề cập đến văn hóa doanh nghiệp Việt, nhiều người vẫn khá ngần ngừ. Phải chăng vì môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý chưa thực sự hoàn thiện khiến cơ hội cho kiểu kinh doanh nhờ quan hệ hay nhóm lợi ích vẫn còn nhiều chỗ đứng, khiến nhiều khía cạnh tron­g văn hóa kinh doanh trở nên khó nói?

Đây là một thực tế, hơn thế lại kéo dài khá lâu, nên cho đến giờ, sau 35 năm Đổi mới, xã hội chưa thực sự nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn về người kinh doanh, vẫn còn kỳ thị người giàu… Nguyên nhân này cũng có yếu tố lịch sử mà nhiều nhà chuyên môn đã phân tích.

Cũng phải nói rõ, kinh doanh nhờ quan hệ hay nhóm lợi ích cần lên án ở đây theo nghĩa là “gặp việc khó là nhấc điện thoại gọi cho người thân”, chứ không phải các mối liên kết win-win vì sự phát triển chung. Hơn thế, trong xu thế kinh doanh đang phát triển mạnh theo mạng lưới, theo chuỗi giá trị như hiện nay, liên kết yếu là thất bại.

Nhưng cũng phải thẳng thắn, nhận định là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hoạt động rời rạc, khó liên kết, hợp tác là thực tế. Nguyên nhân của việc khó liên kết, khó hợp tác còn có phần từ cách thức kinh doanh thiếu bài bản, không minh bạch, khó tạo được niềm tin...

Nhưng hiện tại đã có nhiều thay đổi, vì nhiều lý do. Đáng kể là khi tham gia sân chơi toàn cầu với những chuẩn mực cao, doanh nghiệp buộc phải thay đổi tư duy, cách ứng xử trong kinh doanh nếu muốn đi xa trong sự nghiệp. Nhất là khi sự tranh-hợp với các đối tác, đối thủ đẳng cấp đang diễn ra ngay tại Việt Nam, chứ không chỉ bên ngoài biên giới thúc ép sự thay đổi này.

Tôi vẫn nhớ cảm giác lạ lẫm khi lần đầu tiên đọc yêu cầu cam kết đạo đức kinh doanh của một đối tác lớn khi quyết định chọn chúng tôi làm nhà phân phối và đại lý chính thức duy nhất tại Việt Nam cách đây 10 năm. Khi đó, tôi đã ký không chỉ để thỏa mãn điều kiện bắt tay với doanh nghiệp lớn, mà hiểu rằng, đó là điều kiện để đi xa hơn, để chơi được cuộc chơi đẳng cấp toàn cầu.

Hôm nay, tôi vui mừng khi thấy rằng, các chuẩn mực đó đang dần trở thành 1 phần văn hóa ở nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Phạm Đình Đoàn trong Chương trình Siêu thị 0 đồng, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Chương trình do Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ khởi xướng vào tháng 8/2021. Ảnh: Chí Cường

Nhìn lại giai đoạn dịch bệnh vừa qua, những đóng góp của doanh nghiệp thực sự lớn, không chỉ là những con số mà là tinh thần trách nhiệm với cuộc sống của người lao động, với sự thông suốt trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế. Đã có hình hài, sắc thái khá rõ nét về văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chưa, thưa ông?

Nhiều thứ đã thay đổi khi Covid-19 xuất hiện. Văn hóa doanh nhân Việt Nam dường như đã thể hiện rõ tính nhân văn, tính đồng bào hơn bao giờ hết. Dường như tố chất, tinh thần này của người Việt vẫn nằm sâu trong từng người, nhờ bối cảnh đặc biệt mà được đánh thức.

Chưa bao giờ chúng tôi nhận thức đầy đủ việc kinh doanh không phải là của riêng cá nhân mà là vì cuộc sống bình yên của những người lao động trong doanh nghiệp, của đối tác và trên hết là vì màu cờ sắc áo Việt Nam, vì lòng tự tôn dân tộc đến như vậy.

Gần một thế kỷ trước, chúng ta đã có một thế hệ doanh nhân dân tộc, như cụ Bạch Thái Bưởi, cụ Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Minh Hồ… Năm 1945, khi nước ta mới tuyên bố Độc lập, cách mạng còn non trẻ, Chính phủ không có tiền, không có ngân sách cho hoạt động, chính giới công thương, giới tư sản dân tộc, doanh nghiệp tư nhân đã đóng cả công và của…

Sau này, vì nhiều lý do mà những chuẩn mực về phát triển bền vững, về tính hệ thống trong văn hóa kinh doanh chưa được đề cao, nhưng tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào dường như chưa bao giờ phai nhạt, kể cả hơn 30 năm trước, làm doanh nghiệp là một cách để thoát nghèo, hay bây giờ, mong muốn đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Nhưng đây là lúc doanh nhân Việt Nam phải ghi dấu ấn trong lòng người Việt Nam theo nghĩa là những người mang lại sản phẩm và dịch vụ gì thực sự mang lại lợi ích cho khách hàng, cho dân tộc, cho đất nước... chứ không phải là người “chụp giật”.

Rõ ràng, kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là lời nói mang tính cổ động, thưa ông?

Từ những năm 1970, khái niệm kinh doanh bền vững đã bắt đầu xuất hiện ở các nước phát triển và được phát triển dần thành khái niệm marketing nhân văn - marketing 3.0. Hiện nay, người ta đã nói đến marketing 5.0 marketing vị nhân sinh. Người tiêu dùng yêu cầu các doanh nghiệp. phải hành xử có trách nhiệm với con người, thiên nhiên và xã hội.

Thị trường toàn cầu không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật, các nguyên tắc về sử dụng lao động, về chất lượng hàng hóa, sản phẩm mà còn đòi hỏi xanh hơn, phát triển bền vững hơn, nhân văn hơn…

Đó chính là kinh doanh có trách nhiệm. Nếu không thực sự tuân thủ, doanh nghiệp Việt sẽ không có chỗ đứng.

Đây cũng là điều mà chúng tôi chia sẻ với các doanh nhân trẻ, thế hệ kế cận của chúng tôi. Thế hệ trẻ hiện nay có nhiều điều kiện tiếp cận tri thức của nhân loại, kiến thức quản trị, tinh thần nhân văn, yêu cầu phát triển bền vững… Chúng tôi tin thế hệ trẻ sẽ nhanh tiếp cận với những xu thế phát triển mới.

Cũng phải nói thêm, sự lựa chọn thay đổi theo hướng kinh doanh nhân bản hơn, trách nhiệm hơn của cộng đồng doanh nhân cũng tạo sức ép cho môi trường kinh doanh, môi trường chính sách phải minh bạch, chuẩn mực hơn, đội ngũ cán bộ nhân viên thực sự tận tâm... Đó chính là "bầu khí quyển" cho đội ngũ doanh nhân phát triển lành mạnh, cho sự lan tỏa của văn hóa kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục