Tác dụng phụ của Covid?
Những ngày này, chung cư Mandarin Garden (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng dưng thu hút sự chú ý không phải với hình ảnh một dự án “giữ vừng phong độ” cao cấp lâu nay, mà là từ những tranh chấp, xung đột dù giấu rất kỹ nhưng bắt đầu lộ ra.
Một số cư dân đã tố cáo ban quản trị chung cư có những vi phạm nghiêm trọng trong công tác phòng chống dịch, trong việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, sử dụng quỹ bảo trì, dẫn tới chất lượng sống đi xuống. Ở chiều ngược lại, ban quản trị cũng có văn bản đề nghị UBND phường Trung Hòa vào cuộc trước các thông tin “nói xấu, vu khống thành viên ban quản trị, lôi kéo, kích động cư dân bãi miễn một số thành viên để lập ban quản trị mới”.
Cũng từ đây, sóng gió bắt đầu nổi lên và nhiều góc khuất ở Mandarin Garden dần hé lộ, dù trước đó ở cụm chung cư này có “luật bất thành văn” là những điều tiêu cực không để lọt ra ngoài nhằm đảm bảo “giá trị văn hóa” cũng như giữ giá nhà không bị ảnh hưởng.
Câu chuyện tại Mandarin Garden được đem ra “mổ xẻ” trên nhiều diễn đàn mạng với sự tham gia của không ít cư dân trong cuộc với nhiều ý kiến trái chiều về “mật ước” khác lạ nói trên. Người cho rằng thỏa thuận này vốn trước đây có lợi cho hình ảnh của chung cư lúc nào cũng lung linh, đẹp đẽ, nhưng điều dở là những hạn chế, tiêu cực không được giải quyết kịp thời khiến chính các cư dân phải sống với cảnh “ngoài tươi, trong héo” suốt những tháng năm dài. Câu chuyện chỉ bùng lên khi nhiều cư dân bức xúc “tố” rằng, tại dự án này từng xuất hiện một ca nghi nghiễm Covid-19 mà những người có trách nhiệm thờ ơ, thiếu nhiệt tình…
Bó buộc trong nhà quá lâu, người ta dễ sinh ra ức chế và ở một tòa nhà tại dự án Ecohome 3, phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm vừa rồi xảy ra cảnh cự cãi, chẳng ai nhường ai bắt đầu từ một chuyện nhỏ. Số là chị A ở tầng 18 thường xuyên phàn nàn về việc tầng trên có con trẻ, đùa nghịch gây ồn. Sau nhiều lần ý kiến với gia đình chị B “trên nóc nhà” ở tầng 19 mà tình hình chưa cải thiện, chị A đã “tuyên chiến” với thông điệp: Nếu còn tái diễn sẽ bẻ què chân.
Sau vài lần lời qua tiếng lại, thậm chí phải nhờ đến cả 2 trưởng tầng tham gia “bốn mặt, nhiều lời”, cuộc tranh luận vẫn chưa lắng xuống và khi chị A đã nhận lỗi nóng nảy thì chị B lúc này lại muốn “thừa thắng xông lên”, dọa viết đơn gửi đến cơ quan chị A công tác để phản ánh về tác phong, lối sống…
Cuộc khẩu chiến này đã thu hút nhiều sự quan tâm của cư dân và nếu như ở giai đoạn đầu của sự việc nhiều người tỏ ra thông cảm thì ở giai đoạn sau, có không ít người cực lực phản đối phản ứng có phần quá đà của chị B với lời góp ý rằng, không nên nhận thấy có sự đồng tình của dư luận mà “được đà làm tới”.
Quan trọng là cách ứng xử
Bên cạnh câu chuyện tiếng ồn tại nhà chung cư, mới đây, một cư dân đã đưa lên nhóm zalo của tầng mình một thông báo: “Lát nữa, tôi và vợ sẽ cãi nhau một trận. Trong thời gian này có thể sẽ gây ồn, mong các hàng xóm thông cảm”.
Thông báo mang tính giải trí, tấu hài này đã nhận được hàng loạt comment vui tương tự, kiểu như “Tôi cũng muốn”, “Mấy giờ thế để tôi bố trí làm cùng cho đỡ ồn”, hay “Hôm nay vợ tôi khá ngoan, nhưng nhất định cũng phải cãi nhau một trận cho đã”…
Tiếng ồn không mong muốn ở chung cư vốn là chuyện khó tránh, từ tiếng cãi lộn, băm chặt khi làm bếp, trẻ con nô đùa…, cho đến cả việc hát karaoke tại gia. Thế nên mới có chuyện, có cư dân sau khi trải nghiệm cuộc sống tầng cao đã than, giờ chỉ mong sao được “gần đất, xa trời”, có tiền sẽ sớm mua lại nhà mặt đất để ở, tránh những lụy phiền không đáng có.
Từ ước mong này, cũng nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề nằm ở cách tiếp cận, giải quyết vấn đề thật văn minh, bởi đã là hàng xóm sát vách, câu chuyện tiếng ồn hay các mâu thuẫn phát sinh không phải hiếm, quan trọng là khả năng thích nghi và xử lý của mỗi người ra sao trong đó, là bớt cái tôi và phải biết nhường nhịn vì “chung cư” bản thân nó đã có ý nghĩa “chung nhau” về nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày.