VAMC là giải pháp cuối cùng!

(ĐTCK) Nợ xấu và nhất là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5 – phải trích dự phòng 100%) của các ngân hàng tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm nay. Nhiều ngân hàng đang kỳ vọng Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra đời sẽ giúp cải thiện tình hình, nhưng, chỉ ở góc độ “bà đỡ” cuối cùng.
VAMC là giải pháp cuối cùng!

VAMC là giải pháp cuối cùng! ảnh 1Điều cần nhất với các ngân hàng hiện nay là phải thẩm định chặt chẽ chất lượng tín dụng

 

Sự kiện có tới 7 ngân hàng cùng kéo tới “xiết nợ” một doanh nghiệp tại Bình Dương theo hình thức xử lý tài sản là kho hàng của doanh nghiệp cho thấy, vấn đề nợ xấu đang được các ngân hàng chú trọng như thế nào.

Mặc dù VAMC đã ra đời, song các nhà băng cho biết, chưa thể kỳ vọng nhiều vào công ty này, mà trước hết chính các ngân hàng phải tích cực trong việc xử lý nợ, trích dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, khó khăn nhất đó là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm, khó phát mãi được tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa thấy “cửa” phục hồi khiến nợ xấu ngày càng “xấu” hơn.

Điểm qua một số ngân hàng có thể thấy, tình hình nợ xấu tiếp tục tăng lên trong quý I. Chẳng hạn, tại Vietcombank, quý đầu năm nay, tín dụng âm 0,8%, tỷ lệ nợ xấu là 3,2% và điều đáng quan tâm là nợ có khả năng mất vốn đã tăng đáng kể ở mức gần 2.000 tỷ đồng trong tổng nợ xấu 7.634 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so đầu năm nay.

Còn ở Vietinbank, có hơn 5.440 tỷ đồng nợ xấu tính đến cuối tháng 3/2013, tăng 11,3% so với cuối năm 2012. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn một nửa và tăng 43% so với cuối năm ngoái.

Nợ xấu từ nhóm 3 – 5 của DongA Bank tính đến cuối năm 2012 là 2.000 tỷ đồng, nhưng trong đó riêng nợ nhóm 5 (xem như mất vốn) chiếm đến 658 tỷ đồng...

Lãnh đạo DongA Bank cho biết, trong 2 năm qua, Ngân hàng đã tích cực trong việc xử lý nợ, thu hồi vốn. Thế nhưng, trước bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, việc khống chế tỷ lệ nợ xấu rất khó khăn. Nợ xấu không những không giảm, mà còn gia tăng khiến các khoản dự phòng tăng cao. Trong năm qua, DongA Bank đã trích lập hơn 900 tỷ đồng và năm nay Ngân hàng đã bổ sung thêm 400 tỷ đồng.

Mục tiêu kiểm soát nợ xấu của Sacombank năm nay đã được ĐHCĐ thông qua trong kỳ họp vừa rồi là 3%, tức là ở mức vẫn chấp nhận được so với thông lệ, dù ở thời điểm này nợ xấu của Sacombank mới chỉ khoảng 2%. Điều này có nghĩa, Sacombank đang có cái nhìn thận trọng cho tương lai.

Theo một lãnh đạo cấp cao của Sacombank thì không thể chủ quan về nợ xấu. Nền kinh tế từ đây đến cuối năm vẫn được dự báo còn biến động, sự khó lường về sức khỏe doanh nghiệp là tác nhân chính đến tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng.

Tổng giám đốc MeKong Bank, ông Tay Han Chong cho biết, thực trạng nền kinh tế đang yếu và rất nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Thực tế, nhiều ngân hàng đang phải vật lộn để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong phát triển tín dụng hiện nay cũng như ứng xử với các khoản vay cũ.

Theo ông Chong, điều cần nhất với các ngân hàng là phải thẩm định chặt chẽ chất lượng tín dụng. Việc kiểm soát này vẫn là tiên quyết nhằm giữ cho tình hình nợ xấu của ngân hàng không bị xấu hơn. Do đó, việc đẩy mạnh cho vay ra lúc này cũng phải được kiểm soát chặt và tiết chế.

“Những khoản tín dụng mới sẽ chỉ được giải ngân đến một mức nhất định nào đó mà ngân hàng có thể chấp nhận được mức rủi ro, hoặc chỉ dành cho khách hàng tốt với khoản vay hiện hành”, ông Chong nói.

Việc VAMC ra đời đang được kỳ vọng sẽ giúp vẽ nên một bức tranh rõ ràng, minh bạch hơn về tình hình nợ xấu hiện nay. Tuy nhiên, theo các nhà băng, việc ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC cũng chỉ là giải pháp giãn nợ, giúp ngân hàng tránh được thua lỗ tạm thời. Nhưng kết thúc cuộc chơi, nếu VAMC vẫn không thể “thanh lý” được các khoản nợ xấu thì ngân hàng vẫn là người phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu của họ.

Mặt khác, cái giá mà ngân hàng trả khi bán nợ cho VAMC là khá đắt, tức mỗi khoản nợ bán ra, ngân hàng đều phải trích lập dự phòng rủi ro 20% khiến lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, các nhà băng cho biết, giải pháp nhờ cậy vào VAMC chỉ là lựa chọn cuối cùng của mỗi ngân hàng.

 

Ông Lê Hùng Dũng

Chủ tịch HĐQT Eximbank

Tín dụng khó tăng, song áp lực về nợ xấu vẫn chưa thể giảm. Nợ xấu tăng buộc ngân hàng phải càng thận trọng hơn trong phát triển tín dụng. Để xử lý nợ xấu hiện nay, bản thân ngân hàng phải là người chủ động bằng cách trích lập dự phòng đầy đủ, kể cả phải hy sinh lợi nhuận. Hoạt động của ngân hàng là kinh doanh rủi ro nên quan trọng hơn hết là đảm bảo được an toàn, nhất là trước diễn biến thị trường có khó khăn hiện nay không thể kỳ vọng lợi nhuận cao. Ngoài trích lập dự phòng chung, ngân hàng còn phải trích lập dự phòng riêng theo quy định. Đồng thời, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp phải cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn thì mới có thể kỳ vọng xử lý được nợ xấu, chứ không thể chỉ kỳ vọng quá nhiều vào VAMC.

 

Ông Lê Thành Trung

Phó tổng giám đốc HDBank

Ngoài việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định thì để xử lý được nợ xấu, ngân hàng phải dựa vào nội lực. Bản thân ngân hàng luôn chủ động và từng bước làm việc với doanh nghiệp có nợ xấu để tháo gỡ dần nút thắt, giúp các doanh nghiệp này có thêm động lực vượt qua khó khăn thì cơ hội để thu hồi vốn. Thực tế hiện nay, ngân hàng đang nỗ lực, sát cánh cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, từng bước giảm nợ xấu. VAMC ra đời sẽ là điều kiện tốt giúp các ngân hàng trong việc giãn nợ, nhưng không thể giải quyết được hết tất cả những khó khăn về nợ xấu của ngân hàng.

 

TS Cao Sỹ Kiêm

Nguyên Thống đốc NHNN

Nợ xấu tăng là một thực tế không chỉ ngân hàng phải đối mặt mà bản thân doanh nghiệp cũng khó tránh. Tồn kho tăng, sức khỏe doanh nghiệp yếu dần, vì không bán được hàng thì khoản vốn vay ngân hàng sẽ rơi vào vùng nợ xấu. Khi đó, doanh nghiệp có nhu cầu thêm vốn cũng không thể vay, do có tiền sử nợ xấu và hết tài sản thế chấp cho ngân hàng. Với ngân hàng, khi khoản vay doanh nghiệp trở thành nợ xấu, nếu không cùng tháo gỡ thì khó có thể thu hồi và muốn phát mãi tài sản thế chấp trước đó cũng rất khó.

Sự ra đời của VAMC chỉ giãn được thời gian xử lý nợ xấu, không giải quyết tận gốc nên ngân hàng cũng không thể kỳ vọng nhiều vào VAMC mà trước hết đòi hỏi phải trích dự phòng đầy đủ. Hiện các ngân hàng đã tích cực hơn trong việc trích lập dự phòng rủi ro, nhưng vẫn chưa đảm bảo an toàn trong hoạt động. Vì khi nợ xấu tăng, lợi nhuận ngân hàng giảm, muốn trích lập dự phòng nhiều cũng rất khó khăn.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục