VAMC gom nợ xấu, bán cho ai?

(ĐTCK) Sau khi mua nợ, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ xử lý ra sao với khối nợ này?
VAMC gom nợ xấu, bán cho ai?

VAMC gom nợ xấu, bán cho ai? ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch VAMC cho biết, tính đến thời điểm này, VAMC đã mua được 7.807 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 6.484 tỷ đồng. Trái phiếu đặc biệt phát hành là 3.860 tỷ đồng, trong đó, của PGBank là 170 tỷ đồng, SHB là 74 tỷ đồng, SouthernBank là 154 tỷ đồng, SCB là 1.739 tỷ đồng, Agribank là 1.723 tỷ đồng. Trái phiếu vừa được phát hành có kỳ hạn 5 năm (từ 22/10/2013 đến 22/10/2018) với lãi suất 0%.

“Tuần này, dự kiến VAMC sẽ mua thêm nợ xấu của một số ngân hàng, trong đó có sự góp mặt của cả các ngân hàng gốc quốc doanh chứ không riêng các NHTM cổ phần, như Vietcombank, MHB, đưa tổng số nợ mua được trong tháng 10 lên khoảng 10.000 tỷ đồng”, ông Hùng nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) dự đoán, với đà mua nợ như hiện nay, dự tính đến cuối năm, VAMC sẽ mua được khoảng 45.000 tỷ đồng nợ xấu, đến tháng 6 năm sau sẽ mua được hơn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình nợ xấu vẫn rất u ám. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, đến cuối tháng 9/2013, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn khoảng 53.000 tỷ đồng. Con số này chiếm 5,99% tổng dư nợ, tăng 0,49% so với cuối năm 2012, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm đến 69,1%.

Những con số nghìn tỷ vẫn tăng

BCTC quý III vừa được PGBank công bố cho thấy, tính đến ngày 30/9, PGBank lãi hơn 60 tỷ đồng nhưng có hơn 1.200 tỷ đồng là nợ xấu, chiếm 9,5% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn khoảng 685 tỷ đồng. Theo BCTC bán niên của Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng là 2,8%, nhưng theo SSI Research, tỷ lệ này tính đến 30/9 đã tiệm cận con số 3%.

“Con số nợ xấu của các ngân hàng có gốc quốc doanh dẫu tỷ trọng nhỏ nhưng số tuyệt đối lại rất lớn nên sẽ ‘căng’ hơn so với các NHTM cổ phần”, một chuyên gia kinh tế nhận xét.

So với thời điểm cuối năm 2012, tính đến hết quý II, tỷ lệ nợ xấu của hầu hết ngân hàng đều tăng. Cụ thể, VietinBank tăng từ 1,46% lên 2,1%; Eximbank từ 1,32% lên 1,49%; Sacombank từ 1,89% lên 2,5%; MB từ 1,86% lên 2,45%; ACB từ 2,5% lên gần 3%; SHB từ 8,51% lên 9,04%; Techcombank từ 2,69% lên 5,28%; Navibank từ 5,6% lên 6,1%... Hiện nhiều ngân hàng vẫn chưa công bố BCTC 9 tháng đầu năm 2013, nhưng với tình hình nền kinh tế trì trệ như hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khả năng nợ xấu sẽ còn tăng so với quý II/2013. Đặc biệt, khi Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức được áp dụng vào năm 2014, thì tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ có biến động lớn.

TS. Phan Thị Thu Hà, Viện Ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các ngân hàng khi đổi nợ xấu lấy trái phiếu của VAMC phải trích dự phòng 20%, thay vì mức phải trích 50 - 100% đối với nợ nhóm 4 hoặc 5. Như vậy sẽ giảm gánh nặng tài chính cho ngân hàng trong 1 - 3 năm đầu. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể chiết khấu trái phiếu này tại NHNN để lấy vốn kinh doanh.

“Vấn đề cốt lõi là ngân hàng có bán được món nợ xấu không và bán được bao nhiêu?”, bà Hà nói và cho rằng, với tình hình nợ xấu không ngừng gia tăng như hiện nay, VAMC cũng cần phải tính đến phương án xử lý nợ xấu một cách triệt để và rốt ráo, giúp nền kinh tế sớm hồi phục.

 

“Buy and hold”

TS. Nghĩa cho biết, tính từ thời điểm VAMC thực hiện mua khoản nợ xấu đầu tiên đến nay, đã có 50 - 60 tổ chức quốc tế đến tìm hiểu và có ý định mua lại các khoản nợ xấu. Điều này cho thấy, các khoản nợ xấu hiện tại của Việt Nam cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

“Phương án để VAMC xử lý nợ xấu đã mua bằng cách bán lại cho các tổ chức quốc tế cũng nên được tính đến”, TS. Nghĩa nói.

Đánh giá về việc nợ xấu có nên được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, TS. Hiếu cho rằng, bán nợ xấu cho các nhà đầu tư nước ngoài cần song song với việc giải quyết các điểm nghẽn trong thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, sẽ là một lựa chọn rất tốt nếu có nhà đầu tư trong nước quan tâm đến việc mua lại nợ xấu.

Trả lời ĐTCK xung quanh câu chuyện VAMC sẽ xử lý nợ xấu như thế nào sau khi mua nợ xấu, ông Hùng cho biết, các phương án xử lý nợ xấu mua lại từ các NHTM đã được VAMC tính đến. Tuy nhiên, mọi việc sẽ được cân nhắc thận trọng, bình tĩnh, tiến hành dần từng bước không vội vàng với mục tiêu làm sao đem lại lợi ích tốt nhất cho các bên.

“Trong trường hợp đối tác nước ngoài và cả trong nước quan tâm mua lại khoản nợ xấu, VAMC sẽ sẵn sàng bán nhưng không bán bằng mọi giá. Bên cạnh đó, không loại trừ việc VAMC sẽ cử nhân sự cùng tham gia tái cấu trúc trực tiếp tại TCTD đó, chứ không chỉ mua - bán đứt đoạn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục