VAMA phản đối nới lỏng nhập khẩu ôtô

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho rằng không có tính trạng độc quyền kinh doanh hiện nay.
VAMA phản đối nới lỏng nhập khẩu ôtô

Sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu nhằm tăng thu ngân sách, tránh sự độc quyền trên thị trường ôtô, trong đó có đề nghị theo hướng hủy các quy định siết nhập khẩu ôtô hiện nay, ngay lập tức Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) lên tiếng.

 

VAMA cho rằng không có tính trạng độc quyền kinh doanh ôtô hiện nay. Theo lý giải của VAMA, ngoài 18 thành viên VAMA đang sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô còn có nhiều nhà phân phối khác với các nhãn hiệu khác nhau như Porsche, Audi, Renault, Citroen, BMW, hoặc VW. Chỉ có một nhãn hiệu toàn cầu khác chưa có mặt ở Việt Nam là Peugeot.

 

Theo VAMA, tính đến nay, đã có hơn 23 nhà sản xuất chính hãng đã có mặt ở Việt Nam, lượng xe bán ra khoảng 100.000 xe trong năm 2012, với cam kết đầu tư lâu dài, đầu tư lớn về nhà xưởng, thiết bị, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Do đó, VAMA không cho rằng VAMA đang giữ vị trí độc quyền trong việc phân phối xe nguyên chiếc.

Theo giới kinh doanh, việc nới lỏng thủ tục nhằm tạo cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ được quyền nhập khẩu cùng một thương hiệu xe ô tô, tránh sự độc quyền trên thị trường. Bởi thực tế hiện nay gần như mỗi nhãn hiệu xe chỉ có liên doanh của hãng ô tô đó ở Việt Nam được toàn quyền nhập khẩu.

 

Cũng theo VAMA, triển lãm ôtô Việt Nam sẽ được tổ chức ở Hà Nội vào cuối tháng này sẽ quy tụ cả những công ty thành viên VAMA và những công ty không phải là thành viên VAMA – là những nhà phân phối chính hãng.

 

Nhấn mạnh về việc mong muốn giữ nguyên điều kiện nhập khẩu ôtô mà Bộ Công Thương đã quy định, VAMA dẫn chứng rằng những công ty nhập khẩu không chính hãng không tối ưu hóa được việc bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể theo VAMA, những công ty nhập khẩu không chính hãng khó có thể cung cấp 3 năm bảo hành hoặc 100.000 km như hầu hết các nhà nhập khẩu chính hãng đang làm đối với tất cả các xe đang lưu hành trên toàn quốc. Những công ty nhập khẩu không chính hãng cũng khó có thể cung cấp dịch vụ cho một chiếc xe trong 10 năm đối với những xe thông thường, hoặc có thể đạt mức độ chuyên nghiệp và minh bạch như những nhà nhập khẩu chính hãng là đại diện của công ty ôtô lớn trên thế giới.

 

Theo VAMA, trường hợp có yêu cầu triệu hồi xe từ Đăng kiểm Việt Nam hoặc do chính hãng xe đưa ra yêu cầu, khách hàng mua xe từ nhà nhập khẩu không chính hãng khó có thể yên tâm rằng xe của họ được những kỹ thuật viên chuyên nghiệp sửa chữa với những phụ tùng chính hãng, và việc sửa chữa, bảo dưỡng xe của họ được đưa vào hệ thống theo dõi của nhà sản xuất để theo dõi chất lượng xe trong suốt quá trình sử dụng.

 

Trong một báo cáo gửi Bộ Tài chính hôm 30/8, Tổng cục Hải quan đã đưa ra một loạt các kiến nghị thay đổi cơ chế xuất nhập khẩu nhằm tăng thu ngân sách.

 

Những đề xuất của cơ quan này đều trái ngược với những chính sách siết chặt nhập khẩu hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ của Bộ Công Thương đang thực thi hiện nay.

 

Với mặt hàng ôtô, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần sửa Thông tư 20 của Bộ Công Thương theo hướng loại bỏ điều kiện các nhà nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng ôtô. Quy định siết chặt nhập ôtô này có hiệu lực từ 26/6/2011 được xem là lệnh “cấm kinh doanh” của các nhà nhập khẩu ôtô không chính hãng (tự do) trước đó.

 

Việc nới lỏng thủ tục nhằm tạo cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ được nhập khẩu ôtô, tránh sự độc quyền trên thị trường, khi gần như chỉ có những liên doanh lắp ráp ôtô FDI vào Việt Nam toàn quyền nhập ôtô. Ngoài ra, khi bãi bỏ điều kiện này, chính sách nhập khẩu ôtô thông thoáng hơn sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế thông qua hình thức nhập khẩu ôtô theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam ở nước ngoài được phép hồi hương.

 

Hiện nay với điều kiện nhập khẩu ôtô, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện là có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng ôtô sản xuất nên có rất ít doanh nghiệp có thể tham gia lĩnh vực này mà chủ yếu sẽ do các liên doanh ôtô hiện đang có mặt tại Việt Nam thực hiện.

 

Như vậy, nếu đề xuất này được chấp thuận, nhiều doanh nghiệp có thể cùng lúc tham gia nhập khẩu và phân phối ôtô mang cùng một thương hiệu và do cùng một hãng sản xuất.

 

Theo quy định của Thông tư 20, còn một điều kiện khác nữa được đánh giá rất khắt khe là buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Tuy nhiên trước đó các doanh nghiệp cho rằng điều kiện này sẽ không là trở ngại lớn vì họ có thể kết hợp với các đơn vị sửa chữa ôtô để thực hiện.

 

Trước đây, Bộ Công Thương khi lý giải cho việc ban hành Thông tư 20 đã nhấn mạnh rằng, đây là việc làm nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế nhập siêu và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Thông tư 20 đã được các liên doanh lắp ráp ôtô trong nước hưởng ứng vì chính họ là người duy nhất được quyền nhập khẩu ôtô trong hơn 1 năm qua.


TBKTSG

Tin cùng chuyên mục