Vai trò cơ quan đại diện vốn nhà nước chuyên trách: Bài 1 - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và bài học quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Tách bạch chức năng đại diện sở hữu vốn nhà nước và quản lý nhà nước là một trong những nội dung được khẳng định tại Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước. Trên thế giới, xu hướng này đã được triển khai hiệu quả. Đâu là kinh nghiệm cần tham khảo với Việt Nam?
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Ảnh: Dũng Minh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty. Ảnh: Dũng Minh

Trông người…

Trung Quốc thực hiện quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo hình thức tập trung thông qua một cơ quan chuyên trách.

Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) ở cả cấp trung ương và địa phương. Chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện chức năng của người góp vốn theo quy định của pháp luật, dựa trên nguyên tắc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với vai trò của cổ đông góp vốn, không can thiệp vào hoạt động kinh doanh hợp pháp và độc lập của doanh nghiệp.

Trung Quốc thiết lập chế độ dự toán kinh doanh vốn nhà nước, tiến hành quản lý thu, chi và thu nhập từ vốn nhà nước hàng năm. Đối với các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, bản dự toán kinh doanh vốn nhà nước thường niên do SASAC xây dựng, kiến nghị đề án trình cho Quốc vụ viện.

Những thay đổi trong tư duy tái cơ cấu, hội nhập của doanh nghiệp trung ương Trung Quốc gắn liền với bước tiến vượt bậc của nền kinh tế.

Trung Quốc đã hoàn thành việc tái cơ cấu chiến lược và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý. Số lượng doanh nghiệp nhà nước do SASAC quản lý đã giảm từ 116 doanh nghiệp xuống còn 98 doanh nghiệp sau khi cơ cấu lại.

Thứ nhất, tăng cường khả năng hỗ trợ của các nguồn năng lượng quan trọng. Ví dụ, thông qua việc thành lập Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc và các doanh nghiệp khác, duy trì một cách hiệu quả an ninh của các nguồn năng lượng quan trọng. Tái cơ cấu “hai ngành công nghiệp hóa chất” là Tập đoàn Sinochem, ChemChina và sự hợp tác quyền cổ đông giữa Tập đoàn Sinograin và COFCO đã đóng góp vào sự an toàn của ngành ngũ cốc và hạt giống quốc gia.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực tài sản nhà nước. Ví dụ, sau khi thành lập mạng lưới đường ống dẫn quốc gia, thông qua việc tích hợp 89.000 km đường ống dẫn dầu khí của ba công ty dầu mỏ là công ty CNPC, SINOPEC, CNOOC, cơ sở hạ tầng của mạng lưới đường ống dẫn dầu khí đã được thúc đẩy để cung cấp dịch vụ cho xã hội; hoặc như với China Tower (công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ xây dựng tháp viễn thông, bảo trì tháp, quản lý cơ sở phụ trợ và các dịch vụ khác) sau khi thực hiện tái cơ cấu, tỷ lệ chia sẻ của các trạm thu phát sóng mới tăng từ 14% lên hơn 80%, tiết kiệm 55.000 mẫu đất và giảm đầu tư 176 tỷ nhân dân tệ.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Ví dụ, sau khi tái cơ cấu Tập đoàn COSCO và China Shipping đã góp phần đưa Trung Quốc đạt được “thứ nhất thế giới” về năng lực vận chuyển toàn diện và thông lượng cảng container..., đi đầu trong thành lập Liên minh Đại dương (OCEAN Alliance) có ảnh hưởng rộng rãi.

Thứ tư, thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi. Ví dụ, việc thành lập China Star Network, Tập đoàn Internet vệ tinh, đã tăng cường triển khai các công nghệ truyền thông thế hệ tiếp theo; việc thành lập mới China Logistics đã thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống lưu thông hiện đại.

Tại Indonesia, Bộ Doanh nghiệp nhà nước (MSOE) thành lập vào năm 2001, là bộ duy nhất có nhiệm vụ phát triển và ban hành chính sách của chính phủ cũng như giám sát các doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì lợi nhuận.

MSOE đại diện cho chính phủ trong các cuộc họp cổ đông của doanh nghiệp nhà nước, nơi chính phủ thực hiện quyền bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị và ủy viên, phê duyệt tài khoản hàng năm, giám sát kế hoạch chiến lược và hàng năm, phê duyệt ngân sách hàng năm và lựa chọn cơ quan kiểm toán, cùng với các hành động khác theo yêu cầu của cổ đông theo điều lệ thành lập và tình hình của từng DNNN. MSOE đóng vai trò tích cực trong việc giám sát các SOE, giám sát hiệu quả hoạt động hàng quý, phê duyệt một số hoạt động và khoản đầu tư nhất định.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, thế giới đã có các mô hình thành công, Việt Nam có lợi thế quan sát học hỏi để áp dụng.

Theo chuyên gia này, quản lý và đầu tư vốn nhà nước phải tính đến các lợi ích chiến lược an ninh kinh tế không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam, mà ở quy mô toàn cầu. Đã đến lúc, Việt Nam phải nghĩ đến bài toán này và phải có công cụ để làm được thông qua quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Nhìn ta…

Tại Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật, chiếm tỷ lệ khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trong cả nước.

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tách chức năng sở hữu vốn và chức năng quản lý nhà nước đã góp phần tách bạch vai trò Chính phủ, cơ quan hành chính quốc gia với tư cách cơ quan sở hữu toàn dân là đi theo xu hướng tích cực của thế giới. Giờ là lúc đánh giá, để xem xét tiếp tục kiện toàn, phát huy mô hình này theo hướng hiệu quả nhất.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Chuyên gia kinh tế

Số liệu của CMSC cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu các tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1.538.038 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm; bằng 112% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 85.886 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch năm. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 157.855 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch năm và 100% cùng kỳ năm 2023.

Lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, bước đầu cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp, theo nhận xét của giới chuyên gia.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận một số thay đổi tích cực, như cơ bản khắc phục tình trạng một số công việc chưa được thực hiện đầy đủ, tồn đọng nhiều năm (trước khi CMSC được thành lập).

Tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; sắp xếp lại, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; qua đó tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn;

Đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; chủ động đề nghị hướng dẫn, làm rõ những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ làm cơ sở pháp lý trong triển khai, thực hiện.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm gắn với chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, bảo đảm đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế; đẩy mạnh đầu tư vào các dự án quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng (điện, than, dầu khí, xăng dầu), hạ tầng giao thông quốc gia (đường cao tốc, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển), chuyển đổi số, viễn thông và công nghệ thông tin, vận tải (hàng không, đường sắt, đường biển), cung ứng các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất (than, lọc hóa dầu, khai thác và chế biến khí, hóa chất cơ bản, luyện thép…).

Đồng thời, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng .

CMSC cũng đã thực hiện đầy đủ và có kết quả nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương; đến nay, đã báo cáo, đề xuất, được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với các dự án.

Anh Việt
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục