Vaccine nội địa của Ấn Độ có thể vô hiệu hóa đột biến kép

0:00 / 0:00
0:00
Báo The Hindu ngày 28/4 đã dẫn kết quả nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) và hãng dược phẩm Bharat Biotech thực hiện và đăng tải trên trang biorXiv.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 10/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN). Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 10/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người đã được tiêm vaccine Covaxin nội địa của Ấn Độ có khả năng bảo vệ trước biến thể đột biến kép B.1.617 của virus SARS CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở quốc gia Nam Á này.

Cho đến nay đã có 21 quốc gia phát hiện biến thể B.1.617, trong đó, phần lớn số ca nhiễm được báo cáo từ Ấn Độ.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng huyết thanh của 28 người tham gia thử nghiệm Covaxin giai đoạn 2.

Họ cũng thu thập các mẫu huyết thanh của 17 người bị nhiễm các thể virus SARS-CoV-2 cũ hơn và đã khỏi bệnh. Tiến sĩ Samiran Panda - nhà khoa học cao cấp tại ICMR và là đồng tác giả của báo cáo trên, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai nhóm, tức là nhóm những người đã tiêm vaccine và nhóm những người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm COVID-19, đều có khả năng tốt trong việc vô hiệu hóa biến thể đột biến kép B.1.617.

Nhưng so với những người đã khỏi bệnh sau COVID-19, khả năng vô hiệu hóa B.1.617 của những người tiêm vaccine thấp hơn hai lần.

Một nghiên cứu trước đó cũng phát hiện Covaxin có khả năng vô hiệu hóa biến thể B.1.1.7 được tìm thấy đầu tiên ở Anh.

Biến thể B.1.617 chứa hai đột biến đáng lo ngại là E484Q và L425R. Mặc dù các nhà khoa học đã nắm rõ cách thức hai đột biến này hoạt động một cách riêng rẽ, nhưng vẫn chưa biết về tác động tổng hợp của chúng khi xuất hiện cùng nhau. Do đó, báo cáo trên lưu ý cần thực hiện thêm các nghiên cứu để hiểu khả năng lây truyền và khả năng lây nhiễm của biến thể này.

Ấn Độ ngày 24/3 thông báo phát hiện một biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2 tại bang Maharashtra. Theo WHO, biến thể siêu lây nhiễm này được xem là một trong những yếu tố khiến số ca nhiễm mới tại quốc gia Nam Á này tăng mạnh trong thời gian gần đây.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục