Vắc xin Covid-19 thứ hai của Việt Nam bắt đầu tiêm thử nghiệm

0:00 / 0:00
0:00
Đợt tiêm thử nghiệm vắc xin thứ hai của Việt Nam là Covivac sẽ diễn ra tại Đại học Y Hà Nội vào 9h ngày 15/3.
Covivac là vắc xin thứ hai của Việt Nam tiến hành tiêm thử nghiệm. Covivac là vắc xin thứ hai của Việt Nam tiến hành tiêm thử nghiệm.

Theo ông Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ngày mai (15/3), 6 tình nguyện viên (trong tổng số 120 người) của giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng sẽ nhận mũi tiêm vắc xin Covivac đầu tiên. Tình nguyện viên được chọn phải là người cư trú tại Hà Nội, có độ tuổi từ 18 đến 59.

Dự kiến, khi hoàn thành tiêm thử nghiệm cho nhóm đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm cho nhóm thứ hai vào 9 ngày sau đó (dự kiến vào ngày 24/3).

Các chuyên gia sẽ theo dõi tính an toàn trong 8 ngày sau tiêm liều 1 của những người đầu tiên để đánh giá, xem xét việc thử nghiệm có vấn đề đáng lo ngại hay không. Nếu mọi thứ trong tầm kiểm soát, vắc xin mới được triển khai tiêm tiếp cho những người tiếp theo.

Được biết, ở giai đoạn một, 20 người sẽ được tiêm giả dược, 100 tình nguyện viên được tiêm vắc xin Covid-19. Mục tiêu giai đoạn 1 là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu, sau đó, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2.

Theo các chuyên gia y tế, Covivac là vắc xin toàn hạt virus tinh khiết, bất hoạt, dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản. Vắc xin này được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng chỉ ra vắc xin Covivac có hiệu lực bảo vệ khá tốt, giúp ngăn ngừa cả hai biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh và Nam Phi.

Covivac là vắc xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai vắc xin Nano Covax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen tại Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (Long An).

Quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax được bắt đầu từ tháng 12/2020, trải qua ba đợt tiêm thử nghiệm trên người, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2021.

Về chất lượng sản xuất vắc xin trong nước, theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ, Bộ Y tế, vắc xin Việt Nam sản xuất cũng bằng các công nghệ mới không thua kém vắc xin ngoại nhập khẩu.

“Với việc tiêm thử nghiệm hai loại vắc xin nêu trên hy vọng kết quả khả quan để người Việt Nam chủ động được vắc xin tiêm chủng”, ông Quang nêu.

Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước hiện Việt Nam đang tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca của hãng AstraZeneca được nghiên cứu và phát triển bởi Đại học Oxford cho đội ngũ nhân viên y tế- nơi tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, vắc xin này đang gây lo ngại khi xuất hiện một số trường hợp phản ứng.

Thực tế nêu trên buộc Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phải có công điện gửi các Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng và tỉnh Gia Lai báo cáo về việc điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu ba Sở Y tế khẩn trương xác minh thông tin, lập hội đồng đánh giá tai biến vaccine sau tiêm chủng, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.

Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia ngày 14/3, tổng cộng đã có 5.428 nhân viên y tế được tiêm vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca. Hải Dương là tỉnh đã tiêm cho nhiều người nhất (2.862 người), sau đó là TP Hồ Chí Minh (704 người), Bắc Giang (319 người), Bắc Ninh (312 người)… Dự kiến trong tuần tới, các tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Tháp sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn.

D.Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục