Uỷ viên Trung ương Đảng phải 'chủ động xin từ chức khi không còn đủ uy tín'

"Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ" là quy định mới dành cho cán bộ cao cấp.
Hội nghị Trung ương 8, khoá XII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 đến 6/10 đã thống nhất cao ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. Hội nghị Trung ương 8, khoá XII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 đến 6/10 đã thống nhất cao ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và Uỷ viên Trung ương. 

Quy định gồm bốn điều. Trong đó, điều một nêu rõ cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. 

Theo điều hai, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng phải gương mẫu đi đầu thực hiện 8 nhóm nội dung. Đầu tiên là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch", quy định nêu.

Cũng theo điều hai, lãnh đạo cao cấp phải "lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu"; cùng với đó là tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; chủ động thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương; khuyến khích mô hình, cách làm mới, hiệu quả; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.

Điều hai cũng đề cập đến trách nhiệm "bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc".

"Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ", nhóm nội dung cuối cùng của điều hai nêu.

Điều ba cũng nêu các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống 8 nhóm nội dung. Cụ thể là chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; định kiến với người góp ý, phê bình...

Theo điều này, cán bộ cao cấp phải chống việc "trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội".

"Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm", cũng là nhóm quy định mà cán bộ cao cấp phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

Điều ba còn nêu, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng phải chống việc: Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí; để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...

Điều 4 quy định về tổ chức thực hiện, theo đó các đơn vị liên quan phải "kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cấp dưới".


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục