Tác giả bài viết là Greg Smith, Giám đốc Bộ phận kinh doanh vốn, công cụ phái sinh của Chi nhánh Goldman Sachs tại London (Anh) phụ trách khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Kèm theo bài báo là toàn văn đơn xin từ chức của Greg Smith. Trong bài báo, với tư cách là người trong cuộc, Greg Smith đã nêu lên những thói hư tật xấu đang ngự trị tại Goldman Sachs, tập đoàn tài chính - ngân hàng hàng đầu của Mỹ. Ông này đã mô tả các thủ đoạn kiếm tiền không lấy gì làm trong sạch của Goldman Sachs để chứng minh nền văn hoá doanh nghiệp của Tập đoàn này xuống cấp trầm trọng, khi chỉ tập trung tìm cách “làm thịt” khách hàng một cách thiếu đạo đức. Ông này còn nêu ra dẫn chứng, ông đã trực tiếp chứng kiến 5 vị quản lý cấp cao của Tập đoàn nhiều lần gọi khách hàng của mình là “con rối, đồ ngu” (nguyên văn tiếng lóng tiếng Anh muppets).
Ông Greg Smith khẳng định: “Môi trường của Goldman Sachs đang trở nên độc hại và mang tính phá hoại hơn bao giờ hết. Sau hơn 12 năm làm việc tại đây, giờ đây, tôi đã đánh mất hết cả tự hào lẫn niềm tin vào Goldman Sachs”.
Bài báo trên được xem như “quả bom” nặng ký bất ngờ nổ tung, gây thiệt hại về mọi mặt (uy tín, tài chính) cho Goldman Sachs.
Tại phiên giao dịch ngày 15/3, giá cổ phiếu của Goldman Sachs tại Sở GDCK New York (Mỹ), giảm 3,35% xuống còn 120,37 USD/cổ phiếu, làm “bốc hơi” gần 2,2 tỷ USD trong một ngày. Tờ New York Times còn đưa ra con số thống kê rằng, chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên, bài báo của Greg Smith đã thu hút khoảng 3 triệu lượt truy cập.
Điều đáng chú ý nữa là, sự việc xảy ra quá bất ngờ, nên lãnh đạo Goldman Sachs hoàn toàn bị động, lúng túng, không tìm ra biện pháp hữu hiệu “dập tắt” sự cố. Ông Lloyd Blankfein, Giám đốc điều hành (CEO) Goldman Sachs phản ứng lại khá yếu ớt và thiếu sức thuyết phục khi cho rằng, quan điểm của Greg Smith chỉ đại diện cho một số rất ít người trong hàng ngũ Goldman Sachs. Một số lãnh đạo làm việc trực tiếp với Greg Smith thì cho rằng, do ông này cay cú vì không được bổ nhiệm, nên bất mãn rồi sinh ra… đổ đốn, nói xấu lung tung và là kẻ vong ân bội nghĩa.
Một số bạn bè, hoặc những người nhiều năm cùng sống và làm việc với Greg Smith cũng có cách đánh giá khác nhau. Trong khi cùng có chung nhận xét Greg Smith là con người thẳng thắn, sống có nguyên tắc, hướng thiện, song không ít người chê ông là dại.
Dại ở chỗ dám bỏ đi công việc béo bở với lương, thưởng lên tới 1,2 triệu USD/năm. Còn chuyện mà ông nói ra cũng không phải là hiếm xảy ra ở các tập đoàn tài chính khác. Hơn nữa, giờ đây, chắc chắn chẳng tập đoàn tài chính lớn nào dám “rước ông về làm việc nữa”, vì sợ hậu hoạ. Tức là coi như Phố Wall không còn chỗ cho ông hành nghề.
Một số người lại đánh giá cao hành động của ông, coi ông là người có dũng khí, không chấp nhận “ngậm miệng ăn tiền”…
Có chi tiết đáng chú ý là tỷ phú Michael Bloomberg, Thị trưởng TP. New York đã trực tiếp đến trụ sở chính của Goldman Sachs để chia sẻ với lãnh đạo Tập đoàn về sự cố trên. Ông này còn cho rằng, tờ New York Times đã thiếu thận trọng trong việc đưa tin nhạy cảm, phản ánh quan điểm cá nhân làm phương hại đến uy tín của Goldman Sachs.
Xét một cách khách quan, thì của đáng tội, trong vài năm gần đây, Goldman Sachs từng dính vào hàng loạt vụ xì-căng-đan.
Vào tháng 4/2010, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã cáo buộc Goldman Sachs lừa đảo khách hàng, khi cố tình bán cho họ loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn, trong khi lại đặt cược loại chứng khoán này chắc chắn sẽ rớt giá. Hậu quả là các khách hàng của Goldman Sachs bị thiệt hại 1 tỷ USD. Khi bị phát hiện, Goldman Sachs đồng ý nộp phạt cho SEC hơn 300 triệu USD và bồi thường cho khách hàng 250 triệu USD.
Rồi Tạp chí Der Spiegel (Đức) đã từng tố cáo Goldman Sachs âm thầm giúp chính quyền Hy Lạp che giấu tình trạng nợ công nghiêm trọng, khiến cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, trầm trọng hơn.
Rồi ngày 16/3 vừa qua, một số nguồn tin tung ra thông tin phát hiện Goldman Sachs đã có biểu hiện “xung đột về lợi ích” liên quan đến vụ Tập đoàn Kinder Morgan mua lại El Paso, với giá 21 tỷ USD. Sự trái khoáy là ở chỗ, Goldman Sachs hưởng phí tư vấn từ El Paso, trong khi Steve Daniel, một nhà quản lý cao cấp của Goldman Sachs, trực tiếp tham gia vào quá trình thương thảo hợp đồng lại “bí mật” sở hữu 340.000 cổ phiếu của Kinder Morgan. Sự cố vừa qua quả là tai hại, song giới phân tích nhận định, trong lịch sử hơn 143 năm tồn tại (kể từ năm 1869) của mình, Goldman Sachs bị dính nhiều vụ xì-căng-đan lớn hơn nhiều, song chẳng mấy chốc lại gượng lại... như thường.