Ủy thác đầu tư thiếu một cơ chế giám sát

(ĐTCK-online) Dịch vụ ủy thác (bao gồm cả ủy thác đầu tư, ủy thác mua - bán, ủy thác đấu giá...) không phải là quá xa lạ với các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, điều đáng nói là, hoạt động ủy thác đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán hiện vẫn chưa có cơ chế quản lý, giám sát rõ ràng, do đó, trong nhiều tình huống còn gây mập mờ, khó hiểu, và có thể còn là sự thiệt hại cho nhà đầu tư.
Mâu thuẫn lợi ích giữa tổ chức nhận ủy thác và tổ chức ủy thác rất dễ xảy ra. Mâu thuẫn lợi ích giữa tổ chức nhận ủy thác và tổ chức ủy thác rất dễ xảy ra.

Ai bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư?

Hiện nay, chưa có cơ chế giám sát hoạt động ủy thác đấu giá của các đơn vị nhận ủy thác. Trên thực tế, sau khi tổng hợp kết quả đăng ký ủy thác đấu giá của khách hàng, các đơn vị nhận ủy thác sẽ làm hợp đồng với một số cá nhân để đa dạng hơn các mức giá có thể bỏ. Và kẽ hở trong việc kiểm soát xuất phát từ chính điều này. Về nguyên tắc, đối với ủy thác có hỗ trợ tài chính, nhà đầu tư sẽ được mua với mức giá đấu thành công bình quân, khối lượng đấu giá theo tỷ lệ phân bổ tùy theo tỷ lệ phần trăm trúng đấu giá. Tuy nhiên, sẽ rất khó để nhà đầu tư kiểm soát được mức giá đấu bình quân thực tế mà đơn vị nhận ủy thác là bao nhiêu, tỷ lệ phần trăm được mua như thế nào? Do vậy, nếu không có cơ chế giám sát, cộng thêm đạo đức nghề nghiệp của các thành viên trong đơn vị nhận ủy thác không cao, nguy cơ về việc “hoán chuyển” lợi ích giữa cá nhân này với cá nhân khác trong cùng đợt ủy thác hoặc hoán chuyển lợi ích của người ủy thác thành lợi ích của đơn vị nhận ủy thác là có thể xảy ra.

Giám sát việc này là điều không đơn giản, tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ cơ chế đấu giá hiện tại. Nhiều tổ chức lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư cảm thấy... bực mình vì khối lượng đấu giá của họ rất lớn mà vẫn chỉ được đặt hai mức giá. Do đó, giải pháp ký hợp đồng đấu giá được họ áp dụng, và thực tế là điều này cũng không có gì khác so với việc cơ quan quản lý cho phép họ được đấu giá dưới nhiều tài khoản. Chính vì vậy, việc cho phép các tổ chức tham gia đấu giá với khối lượng lớn được bỏ nhiều mức giá hơn hoặc sử dụng nhiều tài khoản đấu giá là điều cần thiết.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của một số đơn vị nhận ủy thác đấu giá cho tổ chức nước ngoài cho thấy, để tránh mâu thuẫn lợi ích giữa tổ chức nhận ủy thác và tổ chức ủy thác, trong hợp đồng ủy thác, đơn vị nhận ủy thác phải có những điều khoản cam kết liên quan đến tính minh bạch thông tin, đồng thời không được tự đầu tư vào danh mục tương tự.

Không chỉ với dịch vụ ủy thác đấu giá, dịch vụ ủy thác đầu tư trong chừng mực nào đó cũng có thể xảy ra những mập mờ giữa lợi ích của đơn vị nhận ủy thác và người ủy thác. May mắn là trong thời gian tới, việc này có thể giải quyết tốt hơn bằng việc đưa các giao dịch OTC vào tập trung và quản lý tách biệt tài khoản đầu tư ủy thác và tài khoản đầu tư bằng vốn của DN nhận ủy thác.

 

Room... nằm ngoài room

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ phần trăm nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong một DN là 30% hoặc 49%, tùy từng lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ khống chế này hiện mới chỉ tính trên mức đầu tư của các tài khoản chính chủ, tức là người mở tài khoản trực tiếp là nhà đầu tư nước ngoài. Và, với dịch vụ ủy thác đầu tư cho một tổ chức trong nước, mức room này có thể vượt quá tỷ lệ khống chế cho phép vì lượng đầu tư thông qua đơn vị ủy thác không được tính vào room. Trong quá khứ đã có trường hợp, đơn vị nhận ủy thác “phạm luật” vì lý do không tính đến cách giải quyết số cổ phần ủy thác của nhà đầu tư nước ngoài khi hợp đồng ủy thác đến thời kỳ kết thúc mà room của nhà đầu tư nước ngoài đã hết.

Đối với một số danh mục đấu giá, quy định không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá lần đầu (như trong ngành vận tải đường biển có kết hợp cho thuê thuyền viên) thì việc lách luật cũng không quá khó khăn. Với dịch vụ ủy thác đấu giá có hỗ trợ tài chính, thời gian ủy thác quản lý khoản đầu tư lên đến 3 năm có thể giúp họ sở hữu hợp pháp một khoản đầu tư vào danh mục này.

Xét ở góc độ nhà quản lý, do việc ủy thác hoàn toàn là quan hệ dân sự nên sẽ khó kiểm soát và đây là một hình thức lách luật. Tuy nhiên, dưới góc độ nhìn nhận vai trò tác động tích cực đối với thị trường, việc “lách luật” là tốt cho thị trường.

Trước hết, việc tăng cường luồng tiền và cầu trên thị trường có thể giúp thị trường trở nên sôi động, việc thu hút đầu tư cũng trở nên dễ dàng hơn. Một số nhà đầu tư còn mạnh bạo cho rằng, “nếu chờ 3 năm nữa, room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn có ý nghĩa nên cứ thoải mái tạo điều kiện cho họ để thị trường phát triển”.

Thứ hai, ở góc độ nào đó, việc quản lý room là nhằm mục đích tạo sự bình ổn cho thị trường, tránh bị tác động từ việc đổ vào hoặc rút vốn ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, việc ủy thác đầu tư trong thời gian dài, xét về mặt này cũng không gây ảnh hưởng đến thị trường.

Hiện các khoản đầu tư “lách” room kiểu này vẫn thường xuất hiện, nhất là với nhà đầu tư cá nhân nước ngoài theo kiểu nhờ bà con trong nước đầu tư hộ... Tuy nhiên, đã là quy định thì cần sự rõ ràng trong cơ chế. Do vậy, thay vì để “lách luật”, nên chăng cần có quy định rõ ràng để thuận tiện hơn cho kiểm soát ngoại hối?

 

Ranh giới mong manh giữa quản lý danh mục và ủy thác đầu tư

Việc ủy thác đầu tư không chỉ định danh mục kèm theo điều khoản cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hoặc mức lợi nhuận tham chiếu, cộng thêm tỷ lệ phần trăm phân chia trong tình huống vượt mức yêu cầu chính là nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư. Việc thực hiện ủy thác đầu tư đơn thuần (ủy thác đầu tư không chia sẻ rủi ro) lại đơn thuần là một hợp đồng dân sự giữa hai bên và không chịu sự quản lý của Luật Chứng khoán. Ranh giới giữa hai nghiệp vụ này khá mong manh so với việc thực hiện ủy thác mua bán hay ủy thác đầu tư có chỉ định. Với nghiệp vụ quản lý danh mục hay ủy thác đầu tư có cam kết lợi nhuận, theo Luật Chứng khoán, cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, để công bằng giữa các bên (công ty quản lý quỹ đầu tư và công ty tài chính), cần thiết phải có quy định điều kiện hành nghề với dịch vụ ủy thác đầu tư có cam kết lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo phản hồi từ UBCK, do các công ty tài chính không thành lập theo Luật Chứng khoán nên tất cả những vấn đề trên sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần thiết phải có thời gian. Mặc dù vậy, do các đơn vị này có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư và tham gia trực tiếp trên TTCK nên cần sớm có cơ chế giám sát, quản lý nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường và sự bình đẳng giữa các thành viên tham gia.

Đông Nhi
Đông Nhi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ