Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2024 cũng được đặt lên bàn nghị sự.
Thẩm tra các báo cáo này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2024, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp; tiếp tục xuất hiện nhiều nguyên nhân, điều kiện mới làm phát sinh tội phạm; các tranh chấp, khiếu kiện và số lượng các bản án, quyết định phải thi hành án đều tăng.
Về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ năm 2024, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật và để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân; đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, khắc phục sơ hở, thiếu sót, trong đó có lĩnh vực an ninh trật tự.
Kết quả, một số loại tội phạm giảm so với cùng kỳ như: giết người giảm 23,03%; cướp tài sản giảm 7,18%; xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế giảm 16,09%, tội phạm về môi trường, an toàn thực phẩm giảm 43,38%, tội phạm liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông giảm 16,40%.
Song, Ủy ban Tư pháp lưu ý, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, tài sản ; một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%, tham ô tài sản tăng 50,75%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%, hiếp dâm tăng 21,03%. Một số tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường gia tăng như: sản xuất, buôn bán hàng giả tăng 92,24%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 74,5%, gây ô nhiễm môi trường tăng 103,23%. Xảy ra một số vụ giết người với tính chất man rợ, liều lĩnh , gây tâm lý phẫn nộ, lo lắng, bất an trong nhân dân.
Cơ quan thẩm tra nhận xét, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, làm cho công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật mang lại hiệu quả chưa cao.
Cụ thể, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp . Công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả.
Báo cáo thẩm tra dẫn chứng, kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã nêu: Công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa thực hiện tốt dẫn đến việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thu hộ tiền thuế cho nhà nước, nhưng số tiền thu hộ không được hạch toán, nộp vào tài khoản định danh riêng biệt, nên đã bị chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng để chiếm dụng.
Lưu ý tiếp theo từ Ủy ban Tư pháp là công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin còn nhiều sơ hở, bất cập, còn để xảy ra tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng, có tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người nước ngoài chủ mưu, cầm đầu, điều hành hoạt động phạm tội với quy mô đặc biệt lớn.
Tình trạng các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng công nghệ Deepfake để giả dạng khuôn mặt, giọng nói, sử dụng clip, ảnh “nóng” để tống tiền, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo ; việc tổ chức đánh bạc, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, có tính chất xuyên quốc gia.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, còn để tình trạng doanh nghiệp phát hành “trái phiếu khống”, bán cổ phiếu doanh nghiệp không có thật để lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư.
Như, Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch tập đoàn được xác định đã lừa đảo 30.081 tỷ đồng thông qua việc phát hành khống hơn 308 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại cho hơn 35.000 nhà đầu tư. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup do Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc đã bán cổ phần không có thật bằng các hình thức giao dịch bán cổ phần nhận thanh toán tiền mặt, chuyển khoản để huy động vốn,…
Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai, tài chính, ngân hàng, xăng dầu, điện với hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã gây bức xúc trong Nhân dân.
Như, vụ án Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan. Vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan; Vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa, nhận hối lộ tại Dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng - báo cáo thẩm tra dẫn chứng.