Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Luật Công đoàn

0:00 / 0:00
0:00
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã được sửa đổi theo hướng mở rộng cho những người lao động làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Phiên họp chuyên đề pháp luật Ủy ban Thường vụ Quốc hộ sẽ bắt đầu từ sáng nay (1/4). Phiên họp chuyên đề pháp luật Ủy ban Thường vụ Quốc hộ sẽ bắt đầu từ sáng nay (1/4).

Cùng với 4 dự án luật khác, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chuyên đề pháp luật, khai mạc sáng nay (1/4) và diễn ra hết ngày 2/4.

Bốn dự án luật khác gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân.

Với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan trình dự án cho biết, việc sửa đổi xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới. Như, đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

Một số quy định về tài chính công đoàn còn chung chung, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch, chưa có quy định về tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh tổ chức này được pháp luật quy định cho phép ra đời…

Lần sửa đổi này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật. Cụ thể, Luật Công đoàn hiện hành quy định, chỉ những người lao động “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn .

Dự thảo Luật tiếp tục xác định “Luật này quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động” nhưng đã được sửa đổi theo hướng mở rộng cho những người lao động “làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động hoặc lao động tự do hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam” . Như vậy, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Một số nội dung thay đổi đáng chú ý khác như dự thảo bổ sung mới 1 điều về công khai tài chính công đoàn: “Các cấp công đoàn thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn và bằng một trong các hình thức: niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Định kỳ 2 năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội.”

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung 1 điều (Điều 6. Gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp), quy định tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp, tự nguyện và tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tôn chỉ mục đích, tổ chức và hoạt động thực hiện theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam....

Theo dự kiến, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và các dự án luật nói trên sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục