Theo ông, vì sao Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng thị trường chứng khoán năm 2017 vừa được công bố ngày 21/6/2017 của MSCI ?
Chúng tôi cho rằng, một số thông tin cần được làm rõ thêm về quy trình và nguyên tắc của các tổ chức đánh giá xếp hạng như MSCI.
Thông thường, quá trình theo dõi, xem xét của MSCI để đưa ra quyết định nâng hạng một thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ phải mất ít nhất 2 năm và thường là dài hơn, có thể 3-5 năm kể từ khi MSCI đưa thị trường này vào danh sách tiềm năng để rà soát.
Chẳng hạn như năm 2016, Pakistant đã được MSCI đưa vào danh sách tiềm năng xem xét nâng hạng từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi do đã thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí, thì đến năm 2017 mới được nâng hạng.
Ủy ban chứng khoán đã và đang xây dựng Đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức thị trường giao dịch qua việc hợp nhất các Sở giao dịch chứng khoán nhằm nâng cao thanh khoản, quy mô thị trường, năng lực hạ tầng công nghệ, chi phí giao dịch...
Tuy nhiên, một số TTCK khác dù đã lọt vào danh sách tiềm năng nhưng sau một thời gian vẫn chưa được nâng hạng như kỳ vọng, ví dụ như trường hợp năm nay của Argentina và Nigeria.
Theo kết quả xếp loại hàng năm mà MSCI đã công bố, thì Việt Nam thuộc nhóm Thị trường cận biên và chưa có tên trong danh sách tiềm năng để xem xét nâng hạng. Nói cách khác, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới.
Ông có ý kiến gì trước những đánh giá của MSCI về TTCK Việt Nam? Kết quả này đã phản ánh chuẩn xác những nỗ lực của Việt Nam trong nâng hạng thị trường?
Việc đánh giá của MSCI về cơ bản là dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính.
Do vậy, nếu so sánh đánh giá về các vấn đề của TTCK Việt Nam với tư cách là thị trường cận biên với các vấn đề tương tự của thị trường mới nổi như: Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Malaysia, chúng ta có thể thấy đánh giá về TTCK Việt Nam có sự tương đồng về mức độ, không có sự khác biệt lớn như các vấn đề về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, quyền bình đẳng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài, đăng ký mở tài khoản, luồng thông tin, khả năng chuyển đổi.
ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước
Về một số vấn đề cụ thể:
Về sở hữu nước ngoài, MSCI cho rằng, vẫn có giới hạn về sở hữu nước ngoài đối với các công ty ở một số ngành nghề có điều kiện và lĩnh vực nhạy cảm, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do room còn lại không nhiều, quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.
Trong báo cáo công bố của MSCI, có thể thấy rằng vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài có cả ở những nước thuộc nhóm thị trường phát triển như Canada, Úc, Nhật Bản hay những nước ASEAN thuộc nhóm thị trường mới nổi như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines chứ không chỉ là riêng vấn đề của Việt Nam.
Đối với Việt Nam thì đã gần 2 năm kể từ khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 60/2015 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, số lượng cổ phiếu chính thức nới room vẫn khá khiêm tốn, một phần do bị hạn chế bởi các quy định từ các luật liên quan, một phần do không nhận được sự đồng tình của cổ đông về việc nới room.
Do đó, sân chơi của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hẹp và cần có thêm thời gian để nhìn thấy và đánh giá được tác động thực tế của quy định này.
Vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh, MSCI nhận xét rằng một số thông tin về doanh nghiệp, các quy định về thị trường và luồng thông tin về thị trường thường không có sẵn bằng tiếng Anh.
Trong báo cáo của MSCI, chúng tôi thấy rằng, vấn đề này đều xảy ra với các thị trường trên thế giới, nơi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thống, đặc biệt là phần thông tin của các công ty -- ngay cả ở thị trường phát triển như Nhật Bản hay thị trường mới nổi như Indonesia.
Nếu thị trường Việt Nam nâng hạng thành công, quy mô của dòng vốn ngoại, cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK chắc chắn sẽ có sự đột phá
Về phía Việt Nam, hiện trên website của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu ký đã cập nhật các thông tin thị trường và văn bản pháp lý bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài có thể truy cập.
Đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Hiện các công ty niêm yết có số vốn hóa lớn đều đã thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đối với các công ty đại chúng còn lại, chúng tôi đang làm theo hướng có quy định nội bộ, khuyến khích và để doanh nghiệp lớn làm tiên phong trước.
Liên quan vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối, đây cũng là một vấn đề khá nhạy cảm với Việt Nam. Thị trường ngoại hối vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ giá trị tiền đồng. Cải thiện điều kiện này cần sự hợp tác và nỗ lực của toàn hệ thống.
Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để tháo gỡ các vướng mắc để tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên TTCK, chúng tôi đã và đang thực hiện tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Nghiên cứu các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu về khả năng chuyển nhượng, cho vay chứng khoán, tiếp tục hoàn thiện thể chế và hạ tầng của thị trường, đưa ra giải pháp quảng bá, nâng cao hình ảnh về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã và đang xây dựng Đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức thị trường giao dịch qua việc hợp nhất các Sở giao dịch chứng khoán nhằm nâng cao thanh khoản, quy mô thị trường, năng lực hạ tầng công nghệ, chi phí giao dịch... để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Liệu nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam có bị tác động tiêu cực, khi kỳ vọng nâng hạng trên bảng xếp hạng của MSCI hiện không đạt, thưa ông?
Tuy trong những tháng đầu năm 2017, dòng vốn đầu tư ngoại vẫn tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam, đạt trên 22 tỷ USD -mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhìn tổng quan, sự tham gia của dòng vốn ngoại vào TTCK và nền kinh tế nói chung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, cũng như so với khả năng và nhu cầu thực tế của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn.
Có thể nói, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán là nhằm mục tiêu thu hút được dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Nếu thị trường Việt Nam nâng hạng thành công, quy mô của dòng vốn ngoại, cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK chắc chắn sẽ có sự đột phá.
Bởi theo quy định của các quỹ lớn, tỷ lệ đầu tư trên giá trị tài sản quỹ tại một quốc gia phụ thuộc vào mức độ xếp hạng rủi ro của nước đó.
Thông thường, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đầu tư vào các thị trường phát triển và mới nổi với tỷ trọng lớn. Các thị trường cận biên bị coi là có độ rủi ro cao hơn, vì vậy tỷ trọng phân bổ vốn vào các thị trường này là rất thấp so với thị trường phát triển và mới nổi.
Do đó, khi được xếp vào nhóm thị trường mới nổi, thị trường Việt Nam sẽ là một trong những lựa chọn mới của các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được dòng vốn trung và dài hạn.
Để trả lời câu hỏi liệu có sự xáo trộn nào đối với dòng vốn vào hay không khi kỳ vọng nâng hạng trên bảng xếp hạng của MSCI không đạt được, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức/quỹ đầu tư nắm được thông tin khá rõ về quy trình và nguyên tắc nâng hạng của các tổ chức đánh giá xếp hạng, do vậy khả năng xáo trộn dòng vốn đầu tư vào Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực là tương đối thấp.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng nâng hạng TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
Có thể thấy nâng hạng thị trường là một quá trình tương đối dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực để tạo ra những thay đổi về nội lực cũng như khung pháp lý.
Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện và dự kiến sẽ có thêm nhiều cổ phiếu đạt yêu cầu trong thời gian tới.
Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam. Việc đánh giá của MSCI hoàn toàn dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính, nên việc áp dụng các chính sách/giải pháp của cơ quan quản lý mới chỉ là một yếu tố, không đảm bảo TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quá trình nâng hạng là quá trình cải cách cho tốt hơn, bản chất là mình phải cải cách, mục tiêu là để hoàn thiện và phát triển thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn ngoại từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam.
Việc nâng hạng TTCK Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều bộ, ban ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư..., sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cũng như của các thành viên thị trường.