Ngày 20/3/2024, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Trong số các nội dung sửa đổi, bổ sung, nội dung đáng chú ý hàng đầu liên quan tới giao dịch ký quỹ (margin) của nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2020/TTBTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán (Thông tư số 120/2020/TT-BTC).
Trong đó bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 như sau:
“Điều 9a. Giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài
1. Công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.
2. Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng.
3. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thực hiện ký quỹ bằng tiền và thanh toán đầy đủ đối với giao dịch mua chứng khoán.
4. Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán đối với phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh, ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Công ty chứng khoán thực hiện bán chứng khoán ngay khi chứng khoán về tài khoản tự doanh của mình. Chênh lệch phát sinh từ việc xử lý cho trường hợp này được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa công ty chứng khoán và khách hàng.
5. Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán.
6. Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài”.
Bên cạnh đó, bổ sung Điều 35a vào sau Điều 35 như sau:
“Điều 35a. Thanh toán giao dịch mua chứng khoán không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài
1. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch mua chứng khoán của mình trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán với Tổng công ty 3 Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2. Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền trong thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nghĩa vụ thanh toán giao dịch mua chứng khoán thiếu tiền của nhà đầu tư được chuyển thành nghĩa vụ thanh toán của công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh để bù trừ, thanh toán.
Theo quy định hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đều phải thực hiện ký quỹ 100% trước khi giao dịch. Đây chính là rào cản theo các tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế mà thị trường Việt Nam cần giải quyết nếu muốn nâng hạng thị trường.
Trước đó, tại buổi toạ đàm do Báo Đầu tư tổ chức, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong kỳ đánh giá tháng 9/2023, FTSE xác định Việt Nam là thị trường mới nổi thứ cấp và đặt trong danh sách theo dõi. Để cải thiện tình hình, có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần giải quyết gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room).
Việc lấy ý kiến cho Thông tư sửa đổi kể trên chính là động thái để giải quyết vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện quyết tâm nâng hạng thị trường theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.