UBCKNN cho biết lý do đề nghị gia hạn nộp Báo cáo tài chính của Đầu tư Hải Phát không thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Chính vì vậy, UBCKNN đề nghị Đầu tư Hải Phát thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 theo đúng thời hạn quy định.
Được biết, ngày 31/3/2023, Đầu tư Hải Phát ra văn bản trình UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM xem xét, chấp thuận cho Công ty tạm hoãn công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến hết ngày 20/5/2023.
Lý do được Đầu tư Hải Phát đưa ra do ngày 6/1/2023, HĐQT đã ban hành nghị quyết thông qua việc triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông thông qua việc thay đổi đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022. Tuy nhiên, cuộc họp ngày 4/3 đã không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định. Do đó, việc kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty bị kéo dài so với dự kiến.
Đầu tư Hải Phát chậm trả lãi lô trái phiếu mệnh giá 450 tỷ đồng
Đầu tư Hải Phát cho biết ngày 24/3 là kỳ tính lãi thứ 5 của mã trái phiếu HPXH2123011 cho 31 trái chủ. Tuy nhiên, tới hạn thanh toán, Công ty vẫn chưa thanh toán cho trái chủ.
Đầu tư Hải Phát lý giải do thị trường bất động sản gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thanh khoản giảm làm ảnh hưởng đến dòng tiền thu từ các dự án của Đầu tư Hải Phát nên đến ngày thanh toán lãi, Công ty chưa thể thu xếp đủ số tiền lãi nêu trên.
Công ty cho biết đã làm việc và thống nhất với các trái chủ về việc đã thanh toán đúng hạn tiền lãi cho 29/31 trái chủ; đối với 2 trái chủ còn lại, hai bên thống nhất về việc thanh toán đầy đủ tiền lãi trước ngày 31/3.
Theo tìm hiểu, trái phiếu mã HPXH2123011 được phát hành ngày 24/12/2021, kỳ hạn 24 tháng (đáo hạn 24/12/2023) với mệnh giá 450 tỷ đồng và lãi suất 10%/năm.
Tính tới 31/12/2022, Đầu tư Hải Phát đang sở hữu 166,6 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 1,8% tổng tài sản. Ngược lại, Công ty đang sử dụng 3.317,9 tỷ đồng nợ vay, chiếm 35,7% tổng nguồn vốn (nợ vay ngắn hạn là 1.298,4 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 2.019,5 tỷ đồng).
Gia đình Chủ tịch Đỗ Quý Hải liên tục bị bán giải chấp
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát vừa tiếp tục bị bán giải chấp 1.060.100 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 14,73% về còn 14,39% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 23/3/2023.
Nếu nhìn rộng ra, từ đầu năm 2022 tới nay, Chủ tịch Đỗ Quý Hải đã bị bán ra 25,65% vốn điều lệ để giảm sở hữu từ 40,04% về còn 14,39% vốn điều lệ. Trong đó, chủ yếu là bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Ngoài ra, trong năm 2022, bà Chu Thị Lương, vợ ông Đỗ Quý Hải cũng giảm sở hữu từ 3,75% về còn 2,05% vốn điều lệ; ông Đỗ Quý Đường, em trai ông Đỗ Quý Hải giảm sở hữu từ 1% về còn 0,17% vốn điều lệ; ông Đỗ Quý thành, Phó Tổng giám đốc bán ra toàn bộ 2,93% vốn điều lệ để giảm sở hữu về 0 cổ phiếu.
Trước đó, ngày 30/11/2022, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra toàn bộ 36.213.187 cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited bán toàn bộ 26.545.716 cổ phiếu; Amersham Industries Limited bán toàn bộ 7.883.486 cổ phiếu; và Wareham Group Limited bán toàn bộ 1.783.985 cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4, cổ phiếu HPX giảm 60 đồng về 4.460 đồng/cổ phiếu.