“Ưu đãi lãi suất” không như quảng cáo

(ĐTCK) Do có biên lợi nhuận cao, lại có thể phân tán rủi ro, nhiều ngân hàng đang chạy đua cho vay nhỏ lẻ thông qua các chương trình khuyến mãi, ưu đãi lãi suất. Tuy nhiên, các ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, khó có thể kéo dài bởi chi phí huy động không ngừng tăng.
Hiện lãi suất cho vay mua ô tô, mua nhà, sửa nhà đã chạm mức 12-12,5%/năm. Hiện lãi suất cho vay mua ô tô, mua nhà, sửa nhà đã chạm mức 12-12,5%/năm.

Đẩy mạnh cho vay cá nhân

BIDV vừa triển khai gói vay sản xuất - kinh doanh quy mô 60.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ nay đến 30/9/2019.

Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn 1 trong 2 gói vay: Một là gói vay dành cho khách hàng có quan hệ tín dụng với BIDV dưới 6 tháng hoặc không có số dư cấp tín dụng và không có hợp đồng cấp tín dụng còn hiệu lực giải ngân, phát hành bảo lãnh, cam kết thanh toán với thời gian trên 12 tháng, lãi suất từ 6%/năm đối với khoản vay đến 5 tháng và từ 6,6%/năm đối với khoản vay từ trên 5-11 tháng; hai là gói vay dành cho các đối tượng khách hàng khác, lãi suất từ 7%/năm đối với khoản vay kỳ hạn đến 5 tháng và từ 7,5%/năm đối với khoản vay trên 5-11 tháng.

Bên cạnh các gói vay phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhiều ngân hàng còn đưa ra thị trường nhiều gói vay mua ô tô dành cho người có nhu cầu.

Đơn cử, Nam A Bank liên kết cùng CTCP Ô tô Kim Thanh triển khai chương trình vay dành cho các khách hàng mua xe ô tô hãng Honda với hạn mức cho vay tối đa 100% nhu cầu vốn, lãi suất từ 9,5%/năm cố định trong 12 tháng đầu, thời hạn cho vay trong 84 tháng, tài sản đảm bảo là xe định mua hoặc tài sản khác của khách hàng. Chính sách này áp dụng cho cả khách hàng doanh nghiệp.

Bên cạnh cho vay mua ô tô, Nam A Bank còn phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho vay sản xuất - kinh doanh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lãi suất từ 6,5%/năm đối với các khoản vay dài hạn (từ 36-120 tháng), từ 7,5%/năm đối với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng), mức giải ngân tối đa 85% giá trị khoản vay.

Ngoài ra, Nam A Bank còn cấp vốn cho các mục đích đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng thân thiện môi trường và xã hội với lãi suất từ 7%/năm.

Tại VIB, ngân hàng này có chương trình cho khách hàng cá nhân vay mua ô tô với lãi suất từ 7,4%/năm, cam kết phê duyệt khoản vay nhanh chóng và hạn mức cho vay cao.

Viet Capital Bank triển khai gói vay quy mô 1.000 tỷ đồng từ nay đến hết hết năm 2019 dành cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), lãi suất cố định từ 8,5%/năm.

Trước đó, các gói vay “Kết nối SME 2017” và “Đồng hành cùng BẠN chinh phục thành công 2018” của Ngân hàng đã hỗ trợ hơn 700 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay.

Lãi vay có thực rẻ?

Sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ do biên lợi nhuận (NIM) của phân khúc này cao, đồng thời phân tán được rủi ro. Bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân Techcombank cho biết, trong quý đầu năm nay, mảng bán lẻ của ngân hàng này đã tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản vay liên quan đến bất động sản như vay mua nhà đất hay xây sửa nhà sau thời gian ưu đãi đang được áp dụng tại một số ngân hàng VIB, SCB, Eximbank, BIDV... dao động từ 12,4-12,7%/năm, cao hơn nhiều con số thống kê mức bình quân của cơ quan quản lý.

Chia sẻ về tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, lãnh đạo VIB cũng cho hay, bán lẻ là chiến lược trọng tâm của VIB.

Thời gian qua, VIB đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ cho vay mua ô tô, mua, sửa chữa nhà cho các khách hàng này. Tính đến hết tháng 3/2019, tăng trưởng tín dụng của khối bán lẻ đạt 8%. Đi cùng với xu hướng đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, lãi suất cho vay cũng tăng lên, nhất là lãi suất cho vay mua, sửa chữa nhà.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, các khoản vay liên quan đến bất động sản như vay mua nhà đất hay xây sửa nhà sau thời gian ưu đãi đang được áp dụng tại một số ngân hàng VIB, SCB, Eximbank, BIDV... dao động từ 12,4-12,7%/năm, cao hơn nhiều con số thống kê mức bình quân của cơ quan quản lý.

Số liệu phân tích thị trường được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện trong tuần cuối cùng của tháng 4/2019 cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng nói chung trên thị trường hiện phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và tăng lên 9-11%/năm đối với các khoản vay trung - dài hạn.

Lãi suất cho vay mua nhà đang trong xu hướng tăng, gây áp lực không nhỏ trong việc trả nợ. Chị Phương Anh (TP.HCM) vay gần 500 triệu đồng của một ngân hàng từ giữa năm 2017, lãi suất cố định ở mức 9%/năm trong vòng 2 năm đầu, mỗi tháng chị Anh trả cả gốc, lãi khoảng 5 triệu đồng.

Thế nhưng, từ cuối năm 2018 đến nay, số tiền phải trả hàng tháng đã tăng lên 6 triệu đồng vì ngân hàng tăng lãi vay lên 12%/năm. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà hiện đã chạm mức 12-12,5%/năm.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, khi nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị siết lại theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, lãi suất cho vay sẽ đắt hơn do ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động vốn dài hạn và trên thực tế, lãi suất trên thị trường đã tăng mạnh thời gian gần đây. Đáng chú ý, lãi suất chứng chỉ tiền gửi đến 9%/năm.

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo người vay mua nhà nên cân nhắc vay ở thời điểm này bởi lãi suất tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến việc trả nợ. Tương tự, với khách hàng cá nhân vay mua ô tô, hiện lãi vay đã lên đến 11-12%/năm, mức 7-8%/năm ngân hàng đưa ra chỉ áp dụng thời gian ngắn.

Về phía cơ quan quản lý, NHNN thời gian qua liên tục phát đi thông điệp về định hướng siết chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán..., đồng thời tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, năng lượng sạch...

Cũng theo NHNN, tăng trưởng tín dụng quý I/2019 đạt 3,19%, thấp hơn mức 3,56% của quý I/2018. Nguyên nhân được chỉ ra là do yếu tố mùa vụ và chính sách kiểm soát tín dụng chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, tăng trưởng tín dụng thấp không phải là vấn đề cấp bách ở thời điểm hiện, mà lạm phát mới là rủi ro lớn nhất tới ổn định vĩ mô nói chung, lãi suất nói riêng.

Thời gian qua, Chính phủ phát đi thông điệp sẽ kiên định điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu dưới 4% đã đề ra, nhưng nhiều yếu tố đã nảy sinh, gây sức ép lên lạm phát, đó là giá xăng, giá điện tăng kéo giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng theo, tỷ giá ngoại tệ giữa VND và USD đang neo ở mức cao do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung...

Mới đây, NHNN đã tuyên bố sẵn sàng bán USD để ổn định thị trường ngoại hối. Động thái này phần nào giúp củng cố niềm tin thị trường, nhưng áp lực lên lãi suất tiền đồng vẫn hiện hữu.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục