Có ý kiến cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư sửa đổi quá rộng. Quan điểm của ông thế nào?
Bên cạnh ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, địa bàn, doanh nghiệp quy mô lớn (có vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên), Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi (Dự thảo luật) cũng quy định cụ thể nhiều đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư như được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
Cũng có quan điểm cho rằng, đối tượng ưu đãi đầu tư như trong Dự thảo luật quá rộng, dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước; ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng, đối tượng ưu đãi đầu tư quy định trong Dự thảo luật vẫn còn hẹp, chưa bao quát hết đối tượng cần ưu đãi. Rộng hay hẹp phải căn cứ vào mục tiêu thu hút đầu tư, tức là thu hút có trọng tâm, trọng điểm và phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Tôi cho rằng, việc thực hiện ưu đãi đầu tư như trong Dự thảo luật là phù hợp với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Nếu quy định quá rộng, dẫn tới thiếu tập trung, dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm; ngược lại, nếu quy định quá hẹp, khi nhà đầu tư nước ngoài thay đổi chiến lược đầu tư thì lại phải sửa luật, sẽ mất cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ưu đãi đầu tư với dự án quy mô vốn lớn và ưu đãi đặc biệt đối với dự án quy mô siêu lớn trên thực tế chỉ doanh nghiệp FDI mới được hưởng, còn doanh nghiệp nội địa không được do không đủ tiềm lực tài chính, thưa ông?
Bên cạnh ưu đãi cho dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, đồng thời phải có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm hoặc sử dụng trên 3.000 lao động, chính sách thu hút đầu tư mới còn ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt đối với dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội như trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên.
Chính sách ưu đãi đặc biệt này không chỉ doanh nghiệp FDI mới được hưởng, mà trên thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nội địa đáp ứng được các tiêu chí để được hưởng.
Đúng là đại đa số doanh nghiệp trong nước có quy mô vốn nhỏ, nhưng chính sách hỗ trợ hấp dẫn sẽ thu hút được doanh nghiệp FDI quy mô vốn lớn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển vì doanh nghiệp trong nước sẽ là trở thành đối tác cung cấp dịch vụ, hàng hoá, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là đầu vào của doanh nghiệp FDI. Quy định này phù hợp với định hướng thu hút, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030 tại Nghị quyết 50-NQ/TW của Đảng.
Thưa ông, cũng cần phải có quy định để doanh nghiệp FDI “khủng”, doanh nghiệp FDI công nghệ cao chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, nhằm tăng cường liên kết giữa trong và ngoài nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW?
Chúng ta không thể bắt buộc doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ hay thực hiện liên kết với doanh nghiệp nội địa, mà cần phải có chính sách khuyến khích. Ví dụ đưa ra tiêu chí nếu doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp nội địa thì được hưởng một số ưu đãi hấp dẫn.
Tôi cho rằng, doanh nghiệp FDI cũng rất muốn chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp nội địa khi có cơ chế ưu đãi, khuyến khích vì công nghệ không thể độc quyền, nếu độc quyền thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Công nghệ cũng không thể mãi tiên tiến, hiện đại, ngày nay có thể là công nghệ mới, nhưng chỉ sau một thời gian đã trở lên lạc hậu, vì vậy, nếu anh không chuyển giao thì doanh nghiệp khác sẽ chuyển giao.
Ông có cho rằng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ và tăng cường liên kết với doanh nghiệp nội địa không?
CPTPP và EVFTA chính là động lực, là chất xúc tác để doanh nghiệp FDI tăng cường chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp nội địa vì đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP và EVFTA.
Các FTA mới là điều kiện cần, phải có thêm điều kiện đủ là các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ và quản trị giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Đây là khu vực có điều kiện hết sức thuận lợi, vì thế có quan điểm cho rằng, không nên ưu đãi đối với khu công nghiệp, thưa ông?
Tôi lại cho rằng, vẫn tiếp tục ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp vì doanh nghiệp cả trong và ngoài nước chỉ được hưởng một mức ưu đãi đầu tư, nên nếu đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề được hưởng ưu đãi rồi thì họ chỉ có quyền lựa chọn hưởng ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực hay theo địa bàn là khu công nghiệp.
Còn với dự án không được hưởng ưu đãi đầu tư theo ngành nghề, lĩnh vực mà đầu tư trong khu công nghiệp cũng nên cho hưởng ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp, vì doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp dễ quản lý nhà nước về môi trường, xử lý chất thải, an toàn vệ sinh lao động… hơn so với đầu tư ngoài khu công nghiệp.