Usilk City đã hồi sinh như thế nào sau khi về tay Hải Phát?

(ĐTCK) Đằng sau mỗi thương vụ giải cứu dự án đắp chiếu, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn, không chỉ ở tính chất phức tạp về pháp lý, mà còn ở câu chuyện dung hòa lợi ích giữa các bên, gồm nhà đầu tư mới, nhà đầu tư cũ và đặc biệt là các khách hàng. Mọi chuyện sẽ chỉ êm xuôi một khi các bên cùng ngồi chung một hướng. Usilk City và Hải Phát là một điển hình như vậy.
Sau khi về tay Hải Phát, tòa CT2 - 105 Usilk City đã nhanh chóng được triển khai và chuẩn bị bàn giao nhà cho khách. Ảnh: Dũng Minh Sau khi về tay Hải Phát, tòa CT2 - 105 Usilk City đã nhanh chóng được triển khai và chuẩn bị bàn giao nhà cho khách. Ảnh: Dũng Minh

Lợi anh, lợi ả…

Dự án Usilk City do CTCP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, là tổ hợp nhà ở gồm 13 tòa nhà cao từ 25 - 50 tầng với 2.700 căn hộ, được xây dựng trên khu đất 9,2 ha, trải dài khoảng 1 km đường Tố Hữu (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.

Cách đây gần chục năm, trong kế hoạch mở rộng Hà Nội về phía Tây Nam, Usilk City từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn, biểu tượng, tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô. Thời điểm mới ra mắt thị trường, đây là một trong những dự án có mức độ sốt nóng bậc nhất Hà Nội, không chỉ bởi sở hữu vị trí đắc địa ngay mặt đường Tố Hữu, mà dự án cũng được nhiều tổ chức uy tín đánh giá khá cao về quy hoạch cũng như định hướng phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, điều không may mắn của dự án này là khi đang triển khai, thị trường bất ngờ rơi vào khủng hoảng. Dòng vốn tín dụng bị thắt chặt, cộng với quy trình quản lý sử dụng vốn không hợp lý của Sông Đà Thăng Long khiến dự án bị "đói vốn" và rơi vào tình trạng đình trệ, đắp chiếu trong suốt nhiều năm trời.

Từ biểu tượng một thời vàng son của Sông Đà Thăng Long, Usilk City mai một. Hậu quả để lại là hàng trăm, hàng nghìn khách hàng rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" khi trót vay ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con…, nhưng vẫn không có hồi âm từ chủ đầu tư.

Đến cuối năm 2014, hy vọng về việc tái khởi động dự án được nhen nhóm trở lại với sự góp mặt của CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ đô, chủ đầu tư Dự án The Pride gần đó, cũng là doanh nghiệp từng thâu tóm, tái khởi động và đưa trở lại nhiều dự án đắp chiếu trên thị trường. Sau đó, hai bên đã nhiều lần gặp gỡ và đề ra phương án hợp tác chiến lược để tháo gỡ những nút thắt của Usilk City.

Trong phương án đưa ra của mình, Hải Phát Thủ đô sẽ lần lượt tái khởi động các cụm chung cư thuộc CT1, CT3 và CT4 với dự án đầu tiên là Tòa CT2 - 105. Tháng 10/2015, sau khi chốt phương án nguyên tắc, Hải Phát Thủ đô bắt đầu xin ý kiến khách hàng. Với 171/171 (tương đương 100%) khách hàng tham gia cuộc gặp gỡ đồng ý chuyển nhượng hồi cuối tháng 10/2015, phương án nguyên tắc được thông qua để Hải Phát làm các thủ tục cần thiết trình lên UBND TP. Hà Nội chấp thuận phương án chuyển nhượng, đồng thời bơm vốn để thi công tiếp các hạng mục.

Để có thể nhận được sự đồng thuận như vậy từ phía khách hàng, Hải Pháp đã chấp nhận  nhận trách nhiệm từng bước giải quyết các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thuế với tổ chức tín dụng, cơ quan thuế và từng bước giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với khách hàng đã ký hợp đồng với Sông Đà Thăng Long trước đây.

Nhờ dòng vốn mới, dự án được tiếp tục triển khai sau hơn 18 tháng đã chính thức cất nóc, chuẩn bị tiến hành các khâu cuối cùng trước khi bàn giao nhà cho khách hàng. Đến tháng 3/2017, dự án cũng đã chính thức nhận quyết định chấp thuận chuyển nhượng từ UBND TP. Hà Nội, đồng thời chính thức hiện diện trở lại trên thị trường với tên gọi mới HPC Landmark 105.

… Và lợi cả thị trường

Nhìn lại những bước đi đầu tiên trong việc giải cứu Usilk City của Hải Phát Thủ đô, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là những bước đi khá mạo hiểm. Bởi lẽ, vào thời điểm Hải Phát Thủ đô quyết định tham gia vào tái cấu trúc Usilk City, triển vọng hồi phục của thị trường bất động sản chưa rõ ràng.

Do đó, đòi hỏi Hải Phát Thủ đô phải có tính toán cực kỳ cẩn thận trong quá trình tái khởi động lại dự án này. Vấn đề đặt ra cho Hải Phát Thủ đô lúc đó, ngoài câu chuyện chuẩn bị vốn và nhân lực cho dự án này ra sao, thì vấn đề quan trọng hơn cả chính là việc bình ổn tâm lý của các khách hàng cũ.

Như đã phân tích ở trên, thời điểm ra mắt thị trường, Usilk City cực kỳ "sốt nóng", vì thế, mức giá mua nhà tại dự án này trước đây cũng bị đẩy lên quá giá trị thực khi có cả các nhà đầu cơ vào thổi giá. Ngoài việc phải trả mức giá trên hợp đồng, nhiều người phải trả mức chênh khá cao cho các đơn vị phân phối và "cò đất".

Trong khi đó, với bản chất là một doanh nghiệp tư nhân, ngoài mục tiêu xã hội rất rõ ràng là tạo diện mạo mới cho trục đường Tố Hữu mà Hải Phát Thủ đô đang là một nhà đầu tư chính của khu vực này, thì mục tiêu hiệu quả kinh tế cũng sẽ phải tính đến. Đây cũng là cách làm mà Hải Phát áp dụng trong việc tái khởi động thành công nhiều dự án trước đó.

Thời điểm Hải Phát Thủ đô tham gia tái cấu trúc, mặt bằng giá đã được điều chỉnh giảm khá sâu, trong khi mức chi phí bỏ vào cũng không nhỏ, nên gặp phải khó khăn nhất định trong việc việc đàm phán với  từng khách hàng cũ.

Cho tới thời điểm này, theo chia sẻ của Ban lãnh đạo Hải Phát Thủ đô, số khách hàng chấp nhận những thỏa thuận mới từ Hải Phát Thủ đô mới ở con số hơn 75% trên tổng số khách hàng Sông Đà Thăng Long đã ký và còn một ít khách hàng chưa ký Phụ lục Hợp đồng vì cho rằng nếu tiếp tục đóng tiếp sẽ thiệt thòi.

Dẫu vậy, đây được xem là một thành công khá lớn, bởi USilk City là một dự án có tính chất phức tạp, có nhiều bên liên quan. Bản thân Hải Phát Thủ đô trong phương án sắp tới, để tạo điều kiện hơn cho những khách hàng còn lại (có thể do gặp khó khăn về mặt tài chính) bằng việc hỗ trợ ưu đãi thêm các dịch vụ tiện ích như nội thất, thiết kế...

Hải Phát sẽ đầu tư thêm các tiện ích nội khu, hướng tới mang lại nhiều lợi ích nhất cho cư dân sau khi về HPC Landmark. Trong trường hợp khách hàng không đồng ý, Hải Phát Thủ đô vẫn sẵn sàng hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết để khách hàng làm việc với Sông Đà Thăng Long.

Nói tóm lại, đây là cách làm tốt nhất và có lợi nhất giữa các bên có liên quan, và tạo tiền đề để Hải Phát tiếp tục các chặng đường gian nan còn lại giải cứu nốt Usilk City. Điều này cũng có lợi cho thị trường khi nó giúp xóa đi những "vết sẹo" xấu xí, nối lại niềm tin cho người mua nhà, mà còn góp phần khắc phục những gánh nặng nợ ngân sách do việc Dự án Usilk City không được triển khai theo đúng tiến độ, đồng thời giải quyết nợ xấu trước đây của Sông Đà Thăng Long với các tổ chức tín dụng.

Đương nhiên, các giải pháp khắc phục không dễ, ngay kể cả với những dự án tưởng chừng đơn giản như 99 Trần Bình trước đó, nhưng không phải không làm được. Mấu chốt nằm ở thiện chí, thái độ nghiêm túc của các bên để cùng tháo gỡ khúc mắc và ngồi chung với nhau một hướng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục