Kể từ đầu năm tới nay, USD tăng giá 17% so với đồng bảng Anh và vượt qua ngưỡng 1 USD đổi 1 euro lần đầu tiên trong 2 thập kỷ. Chỉ số WSJ Dollar - đo sức mạnh của USD so với rổ các đồng tiền khác cũng đã tăng 13% kể từ đầu năm 2022.
USD mạnh củng cố sức mua tại thị trường Mỹ bởi hàng hoá nhập khẩu “rẻ hơn”. Tuy nhiên, USD là huyết mạch của thị trường tài chính toàn cầu và việc đồng bạc xanh ngày càng mạnh hơn tạo nên những hệ luỵ khó có thể dự đoán.
Dưới đây là 5 tác động đáng chú ý của việc USD mạnh hơn.
Các thị trường mới nổi
Với vai trò là đồng tiền thanh toán thông dụng nhất, đồng thời là đồng tiền dự trữ của nhiều quốc gia, USD được sử dụng tại hầu hết các thị trường tài chính. Các thị trường mới nổi trở nên dễ tổn thương hơn trước sức mạnh của USD, bởi khu vực này thu hút dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế và thường sở hữu các khoản nợ bằng USD.
Việc USD mạnh hơn khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi mất giá. Điều này thúc đẩy lạm phát, bởi nó khiến hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Diễn biến của USD so với một số đồng tiền khác kể từ cuối năm 2021 tới nay. |
Lợi nhuận doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Mỹ, các tổ chức đa quốc gia với sự hiện diện trên toàn cầu đã hạ dự báo lợi nhuận kể từ tháng 6/2022, với lý do là USD tăng giá. Microsoft Corp là một trong những doanh nghiệp đầu tiên lên tiếng cảnh báo về sức mạnh của USD tổn thương tới lợi nhuận doanh nghiệp. Tiếp theo đó, Deere &Co - nhà cung cấp các sản phẩm nông nghiệp cũng cho biết, USD mạnh khiến lợi nhuận trong ngắn hạn chịu ảnh hưởng tiêu cực, khi doanh thu từ các thị trường quốc tế “teo tóp” khi chuyển sang USD.
Yếu tố này sẽ ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán, khi các doanh nghiệp có nguồn thu lớn từ thị trường nước ngoài chứng kiến doanh thu bị tác động trong năm nay, bao gồm cả những gã khổng lồ như Apple Inc, Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) và Nvidia Corp - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Nền kinh tế toàn cầu
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang trong cuộc đua thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, USD mạnh hơn chính là một thử thách lớn.
“USD tăng giá khiến công tác kiểm soát lạm phát tại châu Âu trở nên khó khăn vì một số lý do. Trong đó, điều quan trọng nhất là khu vực này phải mua sắm hàng hoá, bao gồm cả năng lượng, bằng USD”, Keith DeCarlucci, giám đốc đầu tư tại Melqart KEAL Capital cho biết.
Australia và Canada đều đã nâng lãi suất trong vài tuần qua. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa nâng lãi suất ở mức kỷ lục tuần trước.
Sự can thiệp vào thị trường tiền tệ
Các chuyên gia có lý do để lo ngại về việc USD mạnh hơn buộc một số quốc gia phải tăng cường can thiệp vào thị trường tiền tệ, bao gồm việc bán USD để mua chính đồng nội tệ nhằm bảo vệ sức mạnh đồng tiền trong nước, hoặc từ bỏ việc neo giá đồng nội tệ với USD. Mọi động thái này đều có tác động tới thị trường tiền tệ toàn cầu.
USD không ngừng tăng giá từ cuối năm 2021 tới nay |
Thanh khoản bằng USD căng thẳng
Trong các giai đoạn khủng hoảng hoặc tính bất ổn gia tăng, nhu cầu nắm giữ USD tăng mạnh, làm tăng chi phí vốn bằng USD ở hầu hết các quốc gia bên ngoài Mỹ, từ đó tiếp tục đẩy tỷ giá USD tăng mạnh so với các ngoại tệ khác.
Không ít giai đoạn, thanh khoản bằng USD trở nên căng thẳng tại các thị trường tài chính toàn cầu và diễn biến này có thể đo lường bằng việc quan sát hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo (Cross Currency Basis Swap).
Khi thị trường tiền tệ các nước gặp tình trạng căng thẳng thanh khoản USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mở rộng kênh hoán đổi tiện tệ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, từ đó làm giảm căng thẳng tên thị trường và giảm đáng kể tình trạng thiếu USD.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với các quốc gia không có hoán đổi tiền tệ chéo với Fed (như Trung Quốc…) và nguồn USD dự trữ không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là khi các khoản nợ nước ngoài bằng USD đến hạn, thì họ sẽ phải xoay sở như thế nào?