Tính đến ngày 23/5/2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM là 540 doanh nghiệp, cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2016. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, có 122 DN đăng ký giao dịch mới trên UPCoM.
Về thanh khoản, từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch đạt 10,75 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch đạt 203,4 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản thấp là căn bệnh “trầm kha” trên UPCoM, nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài điểm sáng, khi các quỹ đầu tư rót vốn vào.
Thương vụ điển hình cho thành công của các quỹ khi đầu tư vào cổ phiếu UPCoM là trường hợp CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương (PAMCO), đầu tư vào cổ phiếu VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex).
Sau 2 lần mua vào từ đợt IPO năm 2014 và nhận chuyển nhượng vào tháng 6/2016, PAMCO sở hữu 8 triệu cổ phiếu VOC trước khi doanh nghiệp này gia nhập UPCoM (vào tháng 9/2016).
Từ mức giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn, cổ phiếu này liên tục tăng mạnh, đạt mức 40.300 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 11/2016.
Tại thời điểm này, PAM liên tiếp bán ra 2,7 triệu cổ phiếu VOC (2 đợt) trong tháng 12/2016, dù giá đã giảm xuống ở mức từ 25.000 - 27.500 đồng/cổ phiếu, PAMCO vẫn ghi nhận mức lãi khoảng 100% so với khoản đầu tư ban đầu.
Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) năm 2016 cũng ghi nhận khoản lãi hơn 4 tỷ đồng nhờ lướt sóng trong vòng 5 tháng, với cổ phiếu SWC của Tổng công ty Đường sông miền Nam.
Tháng 5, MBCapital chi hơn 62 tỷ đồng mua thỏa thuận 4,93 triệu cổ phiếu SWC, tương đương mức giá 12.600 đồng/cổ phiếu. Theo chiều tăng của SWC, đầu tháng 10/2016, MBCapital bán thỏa thuận toàn bộ lượng cổ phiếu trên, 66,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp nào cũng thắng, trường hợp của CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) là một ví dụ. Sau khi CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVP) đưa cổ phiếu lên UPCoM từ ngày 20/12/2016, PVI AM, cổ đông lớn nắm trên 9,5 triệu cổ phiếu (tương đương 10,13% vốn) PVP đã đăng ký thoái toàn bộ số vốn này.
Trước thời điểm thoái vốn, cổ phiếu PVP tăng trần 3 phiên liên tiếp từ mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu lên 20.300 đồng/cổ phiếu (tăng 84,5%).
Thị giá tăng, nhưng thanh khoản của cổ phiếu lại rất thấp, khi PVI AM chỉ bán được vỏn vẹn 6.600 cổ phiếu trên lượng đăng ký. Hiện tại, PVP đã rơi mạnh xuống dưới mệnh giá, PVI AM cũng không thể thoái vốn tại đây.
Một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác cũng chưa đạt thành công trên UPCoM là Quỹ Đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF). Công ty này vừa đăng ký bán đi gần 5,3 triệu cổ phiếu SGS của CTCP Vận tải biển Sài Gòn với mục đích được công bố là để thanh toán danh mục.
Thực tế, BVIF vừa mua lượng cổ phần này (tương đương 36,68% vốn điều lệ SGS) trên sàn UPCoM từ tháng 12 năm 2016. Nếu tính theo giá cổ phiếu SGS hiện tại, BVIF có khả năng chịu lỗ trong thương vụ này.
Cụ thể, đầu tháng 12/2016, BVIF mua thỏa thuận 4,948 triệu cổ phiếu SGS với giá trị khi đó được ghi nhận là 59,385 tỷ đồng, tương ứng mức giá mua 12.000 đồng/CP.
Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu SGS đang giao dịch quanh mức giá 9.000 đồng/CP, tức BVIF sẽ chỉ thu về khoảng gần 48 tỷ đồng nếu thoái vốn tại giá này.
Thực tế, chiến lược đầu tư của BVIF được định hình là đầu tư với định hướng trở thành cổ đông lớn để có thể cùng tham gia vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp.
Hiện, ông Nguyễn Đức Lương - Giám đốc BVIF - giữ chức vụ Uỷ viên Hội đồng quản trị của Vận tải biển Sài Gòn, hiện không nắm giữ cổ phiếu SGS. Tuy nhiên, công bố thoái vốn tại thời điểm này của Quỹ cho thấy, những kế hoạch đầu tư ban đầu đã không đi đến kết quả cuối cùng.
Thị trường UPCoM có sự phát triển vượt bậc trong các năm qua, tuy nhiên, nhìn tổng quan, dòng tiền chảy vào UPCoM còn rất dè dặt. Việc một số quỹ đầu tư tham gia vào thị trường này, dù thắng hay chưa thắng, cũng là sự động viên và tạo thêm niềm tin cho UPCoM.