UPCoM: "Khu mỏ" nhiều tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 903 doanh nghiệp trên UPCoM có hơn 200 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa hơn 500 tỷ đồng và sàn này ngày càng thu hút nhà đầu tư.
Trên UPCoM đa số là doanh nghiệp nhỏ, nhưng hiện có 23 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa từ 10.000 - 185.000 tỷ đồng. Trên UPCoM đa số là doanh nghiệp nhỏ, nhưng hiện có 23 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa từ 10.000 - 185.000 tỷ đồng.

Vốn hóa và thanh khoản gia tăng

Tính đến 21/10/2021, giá trị vốn hóa thị trường UPCoM đạt 1,42 triệu tỷ đồng (tăng gần một nửa so với đầu năm), gấp hơn 3 lần sàn HNX và bằng 26% sàn HOSE. Trong số 903 doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, 23 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 10.000 tỷ đồng, một số mã đạt giá trị rất cao như ACV, VGI, MCH, BSR (xem bảng).

Chất lượng hàng hóa trên UPCoM nhìn chung không cao, một phần là do quy định phải đón nhận các cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HOSE và HNX, nhưng thị trường này được ví như một khu mở rộng, tiềm ẩn không ít mã cổ phiếu đáng đầu tư.

Trong thời gian qua, UPCoM thu hút dòng tiền mạnh mẽ, thể hiện rõ nhất qua việc chỉ số UPCoM-Index tăng điểm và thanh khoản cải thiện mạnh.

Nếu như UPCoM-Index cuối tháng 4/2021 là 47,74 điểm thì đến cuối tháng 9/2021 đạt 96,56 điểm và đến ngày 21/10 tiến sát mức 100 điểm (99,68 điểm). 5 mã tăng giá mạnh nhất trong tháng 9/2021 lần lượt là CBS, KHB, VNH, RGC, HTH, với mức tăng từ 113 - 158%.

Bên cạnh đó, thanh khoản ghi nhận tăng trưởng qua từng tháng. Theo thống kê, tính riêng tháng 9/2021, UPCoM có hơn 2,4 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, tăng 12,7%, giá trị giao dịch 42.400 tỷ đồng, tăng 9,39% so với tháng 8.

Tính bình quân phiên, khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 121,4 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.100 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 20,3% so với tháng 8 và cao hơn lần lượt 25,56% và 25,64% so với bình quân quý III (96,7 triệu cổ phiếu/phiên và 1.700 tỷ đồng/phiên).

Trong 3 tháng liên tiếp, BSR, HHV, VGT giữ vững vị trí Top 3 mã cổ phiếu được quan tâm nhất trên UPCoM. Trong đó, tháng 9/2021, BSR có khối lượng giao dịch đạt 216,6 triệu cổ phiếu, HHV là 154,8 triệu cổ phiếu, VGT là 138,4 triệu cổ phiếu. Hai mã có thanh khoản cao tiếp theo là VHG và KSH, với khối lượng được chuyển nhượng lần lượt là 129,7 triệu đơn vị và 112,7 triệu đơn vị.

Theo đánh giá của lãnh đạo HNX, không chỉ khối lượng giao dịch của nhà đầu tư trong nước tăng, mà sàn UPCoM đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, quý III/2021, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 613 tỷ đồng. Riêng tháng 9, khối ngoại giao dịch 45,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 1.700 tỷ đồng, giá trị mua ròng hơn 378 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất trong tháng 9 là HHV, QNS, VEA, ACV, TV6, khối lượng giao dịch lần lượt đạt 5,4 triệu đơn vị, 5,2 triệu đơn vị, 3,9 triệu đơn vị, 2,2 triệu đơn vị và 1,5 triệu đơn vị. Ngược lại, 5 mã bị bán nhiều nhất là VEA, QNS, BSR, ACV, VGR, với khối lượng giao dịch lần lượt 4,4 triệu đơn vị, 3,6 triệu đơn vị, 2 triệu đơn vị, 950.500 đơn vị, 452.400 đơn vị.

Sẽ tiếp tục đổi mới UPCoM

Sàn UPCoM hiện nay đã phát triển vượt kỳ vọng khi số lượng doanh nghiệp nhiều hơn 2 sàn niêm yết cộng lại. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để quản lý tốt hơn thị trường này?

Theo lãnh đạo HNX, một trong những quan điểm xuyên suốt của cơ quan quản lý và vận hành thị trường UPCoM là cái nôi để nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp, qua đó giúp họ có giai đoạn làm quen với các hoạt động của thị trường chứng khoán.

Chính vì vậy, qua từng năm, cùng với việc củng cố và gia tăng chất lượng thị trường niêm yết, HNX tập trung nghiên cứu phương án đổi mới UPCoM để gia tăng sức hấp của mảng thị trường chưa niêm yết, góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn và minh bạch hoạt động thị trường.

HNX đã ban hành Quy chế tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết, trong đó cập nhật các quy định mới về cổ phần hóa và bán phần vốn của nhà nước theo phương thức dựng sổ.

Sở cũng đã và đang đưa ra các giải pháp cụ thể để củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM, hoàn thiện và đưa mảng thị trường này thành mảnh ghép của thị trường cổ phiếu. Thời gian qua, công tác giám sát trên UPCoM được đẩy mạnh và đạt tới mức giám sát cao như đối với thị trường niêm yết.

“Với việc tăng cường công tác giám sát, HNX sẽ kiến nghị nới biên độ giá giao dịch trên UPCoM, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy minh bạch cho các doanh nghiệp”, lãnh đạo HNX chia sẻ.

So với 2 sàn niêm yết, UPCoM có biên độ giao dịch lớn (15% so với mức 7% của HOSE và 10% của HNX), góp phần nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điểm trừ là cổ phiếu trên UPCoM chưa được phép giao dịch ký quỹ (margin), thanh khoản hàng ngày thấp, số mã chứng khoán được giao dịch thường xuyên chỉ chiếm khoảng 20%.

Dù vậy, không ít doanh nghiệp được đánh giá có nền tảng kinh doanh ổn định và triển vọng tăng trưởng, nên nhà đầu tư có thể “đãi cát tìm vàng”.

Một bộ phận doanh nghiệp trên UPCoM hiện nay đủ tiêu chuẩn để niêm yết trên HOSE hay HNX, nhưng vẫn ở lại sàn. Nguyên nhân có thể là do tỷ lệ sở hữu của cổ đông đại chúng thấp, trong khi cổ đông nội bộ không có nhu cầu giao dịch nên không có nhu cầu chuyển sàn.

Ngoài ra khi ở sàn UPCoM, doanh nghiệp không chịu nhiều áp lực về công bố thông tin cũng như các nghĩa vụ khác như khi niêm yết. Gần đây, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch chuyển lên niêm yết trên HOSE hoặc HNX nhằm tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu, tăng sự nhận diện thương hiệu cũng như cơ hội huy động vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ