Ông có thể đánh giá khái quát về bức tranh chung của thị trường UPCoM sau gần 7 năm đi vào hoạt động?
Tính đến thời điểm 24/6/2016, thị trường UPCoM đã có 309 doanh nghiệp đăng ký giao dịch (ĐKGD). Nếu so sánh với con số 30 doanh nghiệp của năm 2009 thì số lượng doanh nghiệp ĐKGD trên sàn tăng hơn 10 lần. Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua số lượng doanh nghiệp ĐKGD trên thị trường UPCoM có tốc độ tăng khá nhanh (năm 2014 tăng 17% so với năm 2009; năm 2015 tăng 51% so với năm 2009).
Quy mô vốn hóa thị trường đạt xấp xỉ 110 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 25 lần so với vốn hóa tại thời điểm cuối năm 2009), gần đạt đến con số 120 nghìn tỷ đồng về quy mô vốn hóa trên thị trường niêm yết của HNX. Theo đó, mức vốn hóa trên UPCoM tăng mạnh dần trong 3 năm qua với mức tăng lần lượt là 44% (năm 2014), 63% (năm 2015) và 78% (tính đến hết tháng 5/2016). Cho đến nay, thanh khoản trên thị trường UPCoM khá sôi động, giá trị giao dịch (GTGD) bình quân năm 2015 tăng 179% so với năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2016 tăng 130% so với cả năm 2015.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ĐKGD trên thị trường UPCoM thực hiện công bố thông tin (CBTT) ngày càng minh bạch hơn so với trước đây. Tính đến nay, trên 50% các doanh nghiệp trên UPCoM đã đăng ký CBTT tự động trên hệ thống CIMS của HNX.
Sau 7 năm hoạt động, UPCoM đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời giúp các công ty đại chúng làm quen với các quy định về CBTT trên TTCK trước khi chính thức lên thị trường cổ phiếu niêm yết. Hàng hóa trên UPCoM ngày càng đa dạng về ngành nghề, quy mô vốn, và ngày càng có nhiều hàng hóa chất lượng tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hiện có trên 1.000 doanh nghiệp đại chúng đang đứng ngoài sàn tập trung. HNX có những giải pháp nào để thúc đẩy các doanh nghiệp này đưa cổ phiếu lên UPCoM hoặc sàn niêm yết, thưa ông?
Triển khai Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, Nghị quyết 15/NQ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP chủ trương về công tác cổ phần hóa, bên cạnh việc rà soát, nhắc nhở các đơn vị trong diện điều chỉnh của các quy định hiện hành, HNX cũng báo cáo và kiến nghị xử lý các trường hợp không tuân thủ.
Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định gắn cổ phần hoá với đăng ký giao dịch/niêm yết, HNX sẽ kiến nghị bổ sung chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp không thực hiện quy định này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư giao dịch cổ phần sau đấu giá, HNX đã kiến nghị bổ sung quy định gắn đấu giá DNNN tại Sở GDCK với lên giao dịch trên UPCoM mà không cần đợi thủ tục đăng ký giao dịch của doanh nghiệp khi sửa đổi Thông tư số 196/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Với kiến nghị này, thời gian đưa cổ phiếu của DNNN lên sàn sau đấu giá tại Sở GDCK được rút xuống còn 10 – 12 ngày, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục ĐKGD trên UPCoM cũng sẽ được nhanh chóng, giản tiện hơn.
Tháng 5 vừa qua, HNX đã phân bảng UPCoM, HNX kỳ vọng gì về việc phân bảng này?
Với một lượng doanh nghiệp ĐKGD khá lớn trên thị trường UPCoM như hiện nay, để tìm kiếm được những doanh nghiệp tốt để đầu tư và tránh những doanh nghiệp có nguy cơ cao thì nhà đầu tư cũng mất rất nhiều thời gian mà chưa hẳn đã tránh được rủi ro bởi vì số lượng doanh nghiệp thực hiện CBTT theo quy định trên thị trường UPCoM không nhiều so với các doanh nghiệp niêm yết. Chính vì vậy, khi nhận được chủ trương của cơ quan quản lý (UBCK), thị trường UPCoM được HNX phân thêm 2 bảng: bảng UPCoM chất lượng cao (UPCoM Premium) và bảng Cảnh báo nhà đầu tư.
Bảng UPCoM Premium bao gồm các doanh nghiệp thỏa mãn được những tiêu chí về quy mô, về năng lực kinh doanh, tức là kinh doanh phải có lãi, CBTT tương đối tuân thủ theo các quy định và có thanh khoản. Còn Bảng cảnh báo nhà đầu tư bao gồm một số doanh nghiệp trên thị trường UPCoM bị hạn chế giao dịch (chỉ giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần) và các cổ phiếu trên bị tạm ngừng giao dịch vì những lý do như không tìm được địa chỉ trụ sở chính, không liên lạc được, đặc biệt là những doanh nghiệp bắt buộc bị hủy giao dịch tại thị trường niêm yết trên 2 Sở GDCK (HOSE và HNX) do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin chuyển xuống UPCoM, để nhà đầu tư lưu ý lựa chọn doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.
Cũng cần lưu ý nhà đầu tư về việc phân bảng này không có hàm ý rằng tất cả các doanh nghiệp trên Bảng UPCoM Premium đều tốt mà quyết định đầu tư vẫn là do chính các nhà đầu tư cân nhắc và quyết định. Trong Bảng UPCoM Premium cũng có khả năng để lọt những doanh nghiệp bề ngoài rất tốt, nhưng bản chất không còn tốt nữa.
Ngược lại, Bảng cảnh báo bao gồm các doanh nghiệp bị cảnh báo, do đó, tính minh bạch của những doanh nghiệp này thường không cao, thậm chí yếu kém. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn thận khi đầu tư vào những mã cổ phiếu nằm trong bảng này. Cảnh báo ở đây có hàm ý rằng nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào các cổ phiếu của doanh nghiệp trên bảng này cần phải tìm hiểu kỹ hoạt động của doanh nghiệp, nếu thực sự tin tưởng thì hãy đầu tư.
Ở đây không phải cơ quan quản lý đánh giá những doanh nghiệp trong bảng này là hoạt động yếu kém, mà chúng tôi công bố danh sách những doanh nghiệp không thực hiện CBTT, công bố về việc doanh nghiệp không đủ khả năng để duy trì hoạt động bình thường.
Việc phân tách các nhóm cổ phiếu theo bảng trên thị trường UPCoM sẽ góp phần thúc đẩy tính minh bạch, hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Bên cạnh các chính sách gắn đấu giá, cổ phần hóa với niêm yết/ĐKGD, việc thực hiện phân bảng trên thị trường UPCoM được công chúng đầu tư đánh giá sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường UPCoM phát triển, đồng thời cùng với những nỗ lực liên tục của SGDCK Hà Nội để nâng cao thanh khoản và sức hút của UPCoM sẽ làm tăng tính hấp dẫn của thị trường, hỗ trợ và định hướng tốt hơn cho các đối tượng tham gia thị trường. Chúng tôi kỳ vọng, trong thời gian tới, thị trường UPCoM sẽ là nguồn hàng tốt và tiềm năng để đưa hàng hóa trên thị trường UPCoM vào thị trường niêm yết trong tương lai.
Trong giai đoạn đầu tạo lập thị trường, để khuyến khích các doanh nghiệp ĐKGD tại UPCoM, thay vì hoạt động trên thị trường tự do, nghĩa vụ CBTT được cơ quan quản lý đặt ra đối với doanh nghiệp sàn UPCoM rất đơn giản. Thời gian tới, nghĩa vụ CBTT có nên được chặt chẽ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp minh bạch và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tránh những trường hợp tồn tại các cổ phiếu gian dối, thiếu minh bạch?
Trước sự tăng trưởng mạnh mẽ của UPCoM, thị trường đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về vấn đề minh bạch hoá thông tinđối với các doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Các doanh nghiêp muốn thu hút vốn của các nhà đầu tư thì không có sự lựa chọn nào khác là phải tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ công bố thông tin và thực hiện minh bạch hoá thông tin. Hiện, theo quy định tại Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính, các công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM cũng phải công bố đầy đủ thông tin giống như tổ chức niêm yết.
Về phía HNX, chúng tôi cũng rất trăn trở là làm thế nào để nâng cao chất lượng CBTT và minh bạch đối với những doanh nghiệp trên thị trường UPCoM trong thời gian tới. Hiện tại, HNX đang áp dụng các biện pháp khuyến khích các tổ chức đăng ký giao dịch đăng ký sử dụng hệ thống CBTT tự động (CIMS) để tăng cường tính chính xác, kịp thời của các thông tin công bố trên UPCoM. Đồng thời, HNX triển khai các khóa đào tạo, hội nghị, tập huấn về CBTT cho các doanh nghiệp UPCoM.
Để thúc đẩy minh bạch thông tin, HNX dự kiến xây dựng chương trình đánh giá minh bạch và tôn vinh các tổ chức ĐKGD có ý thức tuân thủ quy định pháp luật về CBTT trên thị trường chứng khoán. HNX hiện đang áp dụng các tiêu chí giám sát cho UPCoM tương tự như thị trường niêm yết. Bên cạnh đó, HNX sẽ rà soát thường xuyên các doanh nghiệp có vấn đề để đưa vào bảng Cảnh báo, trong trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.