Ước mơ sản xuất dầu đá phiến của châu Âu khó thành hiện thực

(ĐTCK) Mặc dù châu Âu khao khát có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, nhưng cuộc cách mạng dầu đá phiến tại đây chẳng thể đi đến đâu. Điều kiện địa chất khó khăn, phản ứng dữ dội về việc bảo vệ môi trường, các quy định khắt khe và cuộc xung đột tại miền đông Ukraine là các yếu tố tiêu diệt sự nhiệt tình của giới đầu tư, khiến họ mất hết kiên nhẫn.

Michael Barron, Giám đốc phụ trách năng lượng toàn cầu và các nguồn lực tự nhiên tại Eurasia Group cho biết: “Vấn đề ở châu Âu đó là bạn sẽ không bao giờ đạt được sự ủng hộ trong việc khai thác các mỏ dầu và các chi phí cũng quá đắt đỏ. Rõ ràng rằng, dầu đá phiến sẽ không thể là yếu tố làm thay đổi châu Âu như đã xảy ra tại Mỹ”.

Khi Cuadrilla Resources Ltd, công ty năng lượng của Anh mở văn phòng tại Ba Lan năm 2009 nhằm phục vụ công việc sản xuất dầu đá phiến, công ty này có lý do để tỏ ra hết sức lạc quan: công nghệ sản xuất dầu đá phiến đã biến nước Mỹ trở thành một trong những nhà sản xuất khí gas tự nhiên lớn nhất trên thế giới.

Đối với Cuadrilla, việc nhanh chóng noi gương các công ty Mỹ sản xuất dầu đá phiên tại châu Âu, thì Ba Lan có vẻ sẽ là một Texas khác trong tương lai.

6 năm sau đó, năm 2015, công ty Anh quốc này đã tiến hành khoan tại giếng dầu đầu tiên ở Ba Lan và kết quả có vẻ không khả quan như họ nghĩ trước đó.

“Mọi việc không dễ dàng. Chi phí cho việc khoan dầu tại châu Âu quá đắt đỏ, cao hơn nhiều so với ở Mỹ và còn cần tuân thủ quá nhiều quy tắc để có thể tiến hành sản xuất”, Giám đốc dịch vụ tại Cuadrilla cho biết.

Kết quả trên quả thật rất đáng thất vọng đối với Ukraine, bởi hơn bất kỳ quốc gia nào, Ukraine đang hết sức nỗ lực giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Cuộc xung đột tại miền Đông nước này đã buộc Shell phải đình chỉ hoạt động kinh doanh tại Ukraine trong năm ngoái. Chervon sau đó cũng nhanh chóng theo bước Shell, cho dù hoạt động tại một tỉnh an toàn phía Tây Ukraine.

Ukraine nhập khẩu một phần nhỏ khí đốt từ châu Âu, mà chủ yếu là từ Anh và Ba Lan. Tuy nhiên, việc khai thác dầu đá phiến tại Ba Lan cũng không lấy làm thuận lợi, với nhiều lý do khách quan và chủ quan, những yếu kém thủ tục hành chính khiến không một công ty nào còn muốn tiến hành khoan dầu tại đất nước này. Chưa kể đến điều kiện tự nhiên cũng không ủng hộ Ukraine: có rất ít các mỏ dầu tại đây.

Đại diện của Cuadrilla cho biết, Ba Lan yêu cầu các công ty khai thác phải cung cấp kế hoạch chi tiết các hoạt động trong 5 năm trước khi được tiến hành đặt mũi khoan. Cứ mỗi một yêu cầu cần điều chỉnh kế hoạch, công ty phải gửi đơn tới chính quyền và chờ đợi hàng tháng trời, thậm chí cả năm để được chấp thuận.

Trong khi đó tại Anh, mặc dù chính phủ của Thủ tướng David Cameron ủng hộ các công việc khai thác dầu nói chung, nhưng ngành công nghiệp này lại gặp sự phản đối quá nặng nề bởi các cộng đồng địa phương do lo ngại việc các hóa chất có thể làm ô nhiễm nguồn nước, khí hậu và môi trường tự nhiên, hay lo ngại sẽ gây ra động đất. Bất chấp sự ủng hộ của chính phủ, chỉ có khoảng 12 mỏ dầu tại nước này đang được khai thác.

Pháp, đất nước có trữ lượng dầu khí và đá phiến ước tính lớn nhất tại châu Âu, vẫn duy trì quan điểm phản đối việc khai thác và sẽ giữ nguyên lệnh cấm này ít nhất cho tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017. Tây Ban Nha, một quốc gia có trữ lượng dầu cỡ lớn tại lục địa này, đã nới rộng bớt các quy định về khai thác dầu nhưng vẫn chưa các chính sách bảo đảm cho công việc sản xuất, một vài địa phương tại Tây Ban Nha còn có lệnh cấm khai thác dầu bởi lo sợ các tác động tới nguồn nước.

Điểm sáng duy nhất trong việc khai thác dầu khí tại châu Âu là Đan Mạch, nơi mà Toal SA đã giành chiến thành khi được chính quyền địa phương nhượng bộ và có thể tiến hành khoan trong năm nay.

Dầu đá phiên sẽ luôn là một nguồn lực bổ sung cho nhu cầu năng lượng tại châu Âu, trong khi khí đốt nhập khẩu từ Nga vẫn là lựa chọn rẻ nhất và cũng dồi dào nhất. Các chuyên gia cho rằng, tự sản xuất dầu đá phiên và trở nên độc lập về năng lượng là một giấc mơ khó có thể thành hiện thực tại châu Âu.

Trịnh Hằng (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục