Khởi đầu năm mới đầy hứa hẹn
Theo UOB, tăng trưởng trong quý I/2024 được thúc đẩy bởi sự đóng góp từ các ngành có tỷ trọng lớn như công nghiệp và xây dựng tăng 6,28% so với cùng kỳ và dịch vụ tăng 6,12%, trong khi sản lượng của ngành nông nghiệp tăng 2,98% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, các lĩnh vực này lần lượt chiếm 41,68%, 52,23% và 6,09% trong mức tăng trưởng chung trong quý I/2024, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực du lịch đã phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách thị thực thuận lợi và các chương trình khuyến khích du lịch, đồng thời kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực ghi nhận một xu hướng đi lên.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 6,18% so với cùng kỳ, do các hoạt động trong tháng 3 tăng 4,1% so với cùng kỳ, đảo ngược mức giảm 5,9% trong tháng 2. Sự tăng vọt này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của ba trong số bốn chỉ số phụ chính - sản xuất điện và khí đốt, sản xuất hàng hóa, cung cấp nước và quản lý chất thải.
Tổng doanh số bán lẻ trong quý I/2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ, dẫn đầu là các dịch vụ liên quan đến du lịch và lữ hành tăng 46%, lưu trú tăng 13,3% và thương mại bán lẻ tăng 7%. Sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch được phản ánh trong dữ liệu về dòng khách du lịch, với tổng số 4,6 triệu lượt khách, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm trước, với nguồn khách du lịch chính đến từ Hàn Quốc (chiếm 27% thị phần), Trung Quốc (19%), khu vực Đài Loan (Trung Quốc) (6,5%), Mỹ (5%) và Nhật Bản (3,9%).
Đáng chú ý, theo UOB, áp lực lạm phát đã giảm bớt, mặc dù Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong quý đầu tiên tăng 3,77% so với cùng kỳ, từ mức 3,54% trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp lạm phát toàn phần tăng tốc. Ngược lại, CPI lõi (không tính đến giá thực phẩm và năng lượng) đã chậm lại trong quý thứ tư liên tiếp, xuống 2,81% so với cùng kỳ trong quý I/2024 từ mức 3,19% trong quý IV/2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát trong quý I/2024 được thúc đẩy bởi mức tăng CPI chung trong tháng 2 và tháng 3, tăng gần 4% so với cùng kỳ trong hai tháng đó, so với tốc độ trung bình là 3,3% vào năm 2023. Những nguyên nhân chính là chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao (5,4% so với cùng kỳ), giáo dục (9,0%) và chi phí y tế (6,5% so với cùng kỳ). Nếu giá năng lượng tiếp tục ở mức cao, điều đó có thể tạo thêm áp lực tăng giá chung.
“Một yếu tố khác có thể tác động đến lạm phát là kế hoạch tăng lương tối thiểu 6% kể từ tháng 7/2024, mức tăng lớn hơn một chút so với mức 5,88% vào tháng 7/2022. Việt Nam đã tăng mức lương tối thiểu lần lượt là 7,3%, 6,5% và 5,3% lần lượt vào các năm 2017, 2018 và 2019”, Báo cáo nhận định.
Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư quan trọng
Báo cáo nhận định, nối dài đà tăng trong năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong quý I/2024. Dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong đó, Singapore là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất với 2,6 tỷ USD, tương đương 42% thị phần; tiếp theo là Đặc khu hành chính Hồng Kông (1,1 tỷ USD), Trung Quốc (0,6 tỷ USD), Nhật Bản (0,5 tỷ USD) và Hàn Quốc (0,4 tỷ USD).
Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào Việt Nam lên tới 4,6 tỷ USD trong quý I/2024, cao hơn 6% so với cùng kỳ. Dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 23,2 tỷ USD vào năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2023 tăng 32% lên 36,6 tỷ USD, gần bằng mức cao kỷ lục 38 tỷ USD vào năm 2019.
UOB cho rằng, dữ liệu FDI cho thấy:
Thứ nhất, các doanh nghiệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc;
Thứ hai, sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện và đăng ký sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước trong những quý tới, bao gồm cả tăng trưởng việc làm và xây dựng;
Thứ ba, sự khẳng định niềm tin và cam kết của các doanh nghiệp nước ngoài đối với đất nước trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.
Triển vọng vẫn tích cực trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của UOB nhận định: “Với kết quả hoạt động trong quý I/2024 đạt được như kỳ vọng và là sự khởi đầu tích cực cho năm nay, chúng tôi dự báo triển vọng cho năm 2024 vẫn tích cực mặc dù các rủi ro ngược vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng/hàng hóa toàn cầu”.
Tuy nhiên, sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh tế trong năm nay. UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% vào năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6,0-6,5%.
NHNN giữ lãi suất ổn định
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.
“Tuy nhiên, với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp nhưng không nên loại trừ hoàn toàn”, Báo cáo nhận định.
Cũng theo UOB, tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, UOB cho rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Một lĩnh vực trọng tâm là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vốn khá mờ nhạt vào đầu năm nay, với tổng tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% tính đến ngày 25/3, theo Tổng cục Thống kê, tụt lại so với tốc độ 1,99% cùng kỳ năm trước. UOB nhận định, nhu cầu tín dụng thấp là do nhiều nguyên nhân và có thể phải cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường, trong đó, một yếu tố được nhấn mạnh là do số lượng doanh nghiệp thoái vốn trong năm 2023.
UOB cho biết, sẽ có thêm công cụ để NHNN triển khai quản lý thanh khoản của hệ thống. Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi gần đây, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tạo khuôn khổ cho các khoản vay đặc biệt từ NHNN, bao gồm các khoản vay không lãi suất và các khoản vay không cần tài sản thế chấp, từ đó có thể hướng tới các mục tiêu chính sách cụ thể cho phép hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và để triển khai hoạt động thanh khoản khẩn cấp khi cần thiết, chẳng hạn như các trường hợp rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.
“Điều này phản ánh cam kết và các công cụ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng và ứng phó với các tình huống khẩn cấp”, UOB nêu quan điểm.