UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,7%

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Một số yếu tố đã hiện hữu cho triển vọng lạc quan hơn trong nửa cuối năm 2021, bao gồm hiệu ứng cơ bản mang nhiều thuận lợi, hoạt động sản xuất và thương mại tăng trưởng mạnh mẽ, dòng vốn FDI tiếp tục được thu hút và lạm phát ổn định. 

UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,7%

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong quý II

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố hôm thứ Ba (29/6), kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,61% trong quý II/2021, tăng từ mức được điều chỉnh 4,65% trong quý I/2021 (ước tính trước đó là 4,45%). Mặc dù kết quả giảm nhẹ so với dự đoán của UOB là 7% và theo khảo sát của Bloomberg là 7,2%, nhưng điều đó đã khẳng định xu hướng tăng sau các ảnh hưởng mạnh của đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Sự tăng tốc trong quý II/2021, theo UOB, một phần được thúc đẩy bởi nền số liệu so sánh cực thấp tại cùng kỳ năm ngoái ở mức tăng 0,39% trong quý II/2020 do ảnh hưởng của Covid. Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ từ bên ngoài đã thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, theo mô hình tương tự như nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong khu vực.

Theo GSO, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 11,42% trong quý. Trong lĩnh vực dịch vụ, quy mô bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% trong khi dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27% và dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%.

Trong nửa đầu năm 2021, GDP của Việt Nam tăng 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái, hơn gấp 3 lần so với tốc độ 1,82% trong nửa đầu năm 2020. Mức tăng này chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng ngành nông nghiệp tăng 3,82% so với cùng kỳ và sản lượng dịch vụ tăng 3,96%.

Xét về tỷ trọng của các ngành trong nửa đầu năm 2021, ngành nông nghiệp chiếm 12,15%, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng (37,61%), dịch vụ (41,13%) và các ngành khác (9,1%).

Hoạt động kinh tế của Việt Nam cho đến nay đi theo mô hình của các nền kinh tế trong khu vực vốn đặt trọng tâm vào các lĩnh vực phục vụ thị trường nước ngoài (như thương mại và sản xuất) hoạt động tốt hơn các lĩnh vực trong nước (ví dụ: thương mại liên quan đến du lịch) trong đại dịch và tiếp tục trong quá trình phục hồi sau đại dịch như hiện nay.

Xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 tăng 28,4% so với cùng kỳ lên 157,63 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 36,1% so với cùng kỳ lên 159,1 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại là 1,47 tỷ USD trong giai đoạn này. Đây là mức thâm hụt thương mại đầu tiên trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam kể từ nửa đầu năm 2017.

Hoạt động xuất khẩu tương đối yếu hơn trong 6 tháng đầu năm có thể là do sự gián đoạn giao hàng từ đợt nhiễm Covid-19 lần thứ tư, khiến một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động trong một số giai đoạn của quý II/2021.

Với vị thế là trung tâm sản xuất, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư vào quốc gia. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2021. Đây sẽ là chất xúc tác then chốt để mở đường cho các hoạt động kinh tế trong tương lai.

Trong các số liệu kinh tế khác do GSO công bố, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tổng thể đạt tăng 1,48% trong 6 tháng đầu năm 2021, mức thấp nhất kể từ năm 2016, trong khi lạm phát cơ bản (thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ (1,1% vào tháng 6/2021 so với cùng kỳ), cả hai đều thấp hơn mục tiêu lạm phát 4% của ngân hàng trung ương.

Giữ nguyên dự báo tăng trưởng, cùng với các rủi ro

UOB cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý II/2021 của Việt Nam có thấp hơn kỳ vọng ở mức 6,61% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã khẳng định xu hướng tăng trưởng trở lại sau các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, và cũng là sự tái lập xu hướng tăng đã diễn ra từ năm 2013 tới 2019.

Trong những năm trước khi có Covid-19, tăng trưởng GDP có xu hướng chậm nhất trong quý I, sau đó tăng dần lên trong thời gian còn lại của năm do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu được cải thiện. Tính trung bình, tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm cao hơn khoảng 0,8 - 0,9% so với nửa đầu năm trong những năm Việt Nam đạt được tăng trưởng mạnh mẽ.

Với tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% cùng với mức thấp của nửa cuối năm 2020 (trung bình: 3,6%), UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,7% so với mức dự báo chính thức 6 - 6,5% của Chính phủ Việt Nam. Dự báo này dựa trên tính toán tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7,7% trong 6 tháng cuối năm 2021, vào khoảng gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình trong 6 tháng cuối năm 2020 và có thể đạt được nếu các hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra bình thường và không bị gián đoạn một cách đáng kể.

Một số yếu tố đã định hình hỗ trợ cho dự báo tích cực hơn trong nửa cuối năm 2021. Dòng vốn FDI đã bắt kịp nửa đầu năm 2020 trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển tạo cơ sở cho các hoạt động tăng trưởng trong tương lai. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi và hoạt động tốt trong quý II/2021, bất chấp những trở ngại khác nhau từ sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 trên khắp các tỉnh, thành và các nước lân cận.

UOB nhận định, một môi trường lạm phát ổn định sẽ hỗ trợ NHNN linh hoạt hơn trong điều hành chính sách của mình, qua đó đảm bảo một môi trường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, UOB tiếp tục kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các chính sách hiện hữu với lãi suất tái cấp vốn là 4,0% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5%.

Đối với đồng Việt Nam (VND), sau khi đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng 4, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tương tác cấp cao với Việt Nam về các chính sách quản lý ngoại hối. Tiếp theo đó, NHNN Việt Nam cũng đã giảm tần suất can thiệp ngoại hối (để ổn định giá trị VND) từ mỗi ngày sang một lần một tuần kể từ tháng 2.

Với các chính sách can thiệp thị trường từ Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) trong thời gián tới, các diễn biến cho thấy áp lực mất giá lên VND sẽ không đáng kể đi cùng sự giám sát của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ. Cập nhật của UOB dự báo tỷ giá USD/VND có thể đứng ở mức 23.000 trong quý III/2021 và quý IV/2021, tiếp theo là 23.100 trong quý 12022 và 23.200 trong quý II/2022.

Tuy nhiên, theo UOB, những rủi ro chính đối với triển vọng sẽ là những thách thức từ đợt bùng phát Covid-19 thứ tư bắt đầu vào cuối tháng 4.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục