UOB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện trong quý IV và tăng trưởng mạnh thêm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đi cùng tốc độ tiêm chủng đang tăng tốc và các biện pháp hạn chế đang được dỡ bỏ, UOB dự kiến, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện trong quý IV/2021 và tăng trưởng mạnh thêm nữa. 
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Tăng trưởng kinh tế giảm kỷ lục trong quý III/2021

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, tổng sản lượng kinh tế của Việt Nam giảm 6,17% trong quý III/2021, mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu được công bố vào năm 2000. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GDP ở mức 1,42%, thấp hơn mức tăng 2,12% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020.

Theo UOB, sự giảm sút trong quý III/2021 phần lớn là do đóng cửa và các biện pháp hạn chế được áp dụng trên toàn quốc trong quý để ngăn chặn làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 4 năm 2021. Do đó, sản lượng công nghiệp và xây dựng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III/2021, trong khi sản lượng ngành dịch vụ giảm 9,28%. Các chỉ số hoạt động khác cũng phản ánh mức độ gián đoạn trong sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng.

Cộng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các hoạt động ngoại thương của Việt Nam đã giảm tốc trong quý III/2021, với xuất khẩu tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức cao nhất là 31% vào tháng 5. Với việc nhập khẩu chỉ giảm nhẹ, thâm hụt thương mại tăng vọt lên 3,4 tỷ USD, đảo ngược vị thế thặng dư thương mại vốn có.

Tuy nhiên, bất chấp một năm đầy thách thức, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 9 tháng vẫn đạt 22,1 tỷ USD, cao hơn mức 21,2 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2020. Điều này một lần nữa tái khẳng định quan điểm rằng, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhìn xa hơn vào tiềm năng kinh doanh tại Việt Nam.

Cục diện sẽ thay đổi trong quý IV/2021

Theo UOB, mức sụt giảm GDP trong quý III/2021 đáng ngạc nhiên và trái ngược với dự đoán của tổ chức này đưa ra trước đó. Điều này làm nổi bật những thiệt hại do biến thể Delta lây lan trên khắp thế giới. Ngoài ra, quá trình phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra, từ tình trạng thiếu nguyên liệu quan trọng như chất bán dẫn, giá hàng hóa tăng đột biến, cho đến tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại các thị trường phát triển.

"Sắp tới, các biện pháp giãn cách, đặc biệt là ở các trung tâm sản xuất lớn ở miền Nam được nới lỏng dần từ tháng 10 khi tình trạng dịch bệnh thuyên giảm và tốc độ tiêm chủng tăng nhanh, cho phép các doanh nghiệp và nhà máy hoạt động trở lại vững chắc hơn trong quý IV/2021", Báo cáo nhận định.

Tuy nhiên, theo UOB, với tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ ở mức 1,42%, tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ là một thách thức để vượt quá tốc độ tăng trưởng 2,9% trong năm 2020.

Theo các chuyên gia của UOB, giả sử việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi, cho phép các doanh nghiệp và nhà máy “bắt kịp” sản lượng bị mất và tỷ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch, GDP của Việt Nam có thể phục hồi lên 7% trong quý IV/2021, từ mức -6,17% trong quý III/2021. Điều này sẽ giúp mức tăng 3% cho cả năm 2021, thấp hơn mức 5% mà tổ chức này dự báo trước đây.

"Một khi các hoạt động bình thường hóa hơn nữa, chúng tôi dự đoán GDP toàn phần sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng “bình thường” hơn 7,4% vào năm 2022 dựa vào so sánh trên mức cơ sở thấp vào năm 2020 và 2021", báo cáo của UOB nhận định.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 và 2022 của UOB.
Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 và 2022 của UOB.

Chia sẻ quan điểm của mình về triển vọng của Việt Nam, ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, trong khi làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ tư đã làm chậm lại đà tăng trưởng mạnh mẽ so với mức tăng trưởng Việt Nam đã đạt được trong bốn tháng đầu năm 2021, khả năng phục hồi là rất cao đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân và Chính phủ trong việc ứng phó nhanh chóng với đại dịch. Các công ty cũng đã nhanh chóng thích nghi, áp dụng số hóa và công nghệ trong các mô hình và thực tiễn kinh doanh của họ, điều này đã giúp thúc đẩy tham vọng Công nghiệp 4.0 của quốc gia.

"Tương tự như những gì chúng ta thấy ở các thị trường khác, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ khi mở cửa trở lại với việc nới lỏng dần các hạn chế đi lại và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên", ông Harry Loh nói.

Bất chấp kết quả kinh tế không triển vọng trong quý III/2021 và có cơ hội phục hồi trong quý IV/2021, UOB dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhiều khả năng sẽ giữ ổn định chính sách của mình trong thời điểm hiện tại và không thay đổi lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5%, mức thấp kỷ lục như hiện nay.

Một cân nhắc quan trọng đối với NHNN, được UOB nhận định, đó là sự thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước mắt có thể có tác động đến các thị trường mới nổi như Việt Nam khi dòng vốn phản ứng với sự thay đổi chính sách. Theo đó, Fed có thể bắt đầu giảm bớt lượng mua trái phiếu của mình trước cuối năm 2021 và hoàn tất quá trình này vào giữa năm 2022, sau đó bắt đầu tăng lãi suất vào cuối năm 2022.

"Mặc dù chúng tôi nhận thấy rủi ro thấp về dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi có nguy cơ gián đoạn hoặc mất trật tự, nhưng đây có thể là một khu vực chính mà các ngân hàng trung ương theo dõi cẩn thận", ông Harry Loh đánh giá.

Về tỷ giá, VND tăng nhẹ so với USD trong quý III/2021 từ mức 23.000 đồng/USD vào đầu tháng 7 lên 22.760 đồng/USD vào thời điểm 21/9, mức cao nhất kể từ giữa năm 2018. Diễn biến này khá phù hợp với những gì Việt Nam đã đạt được trong thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 7 để không cố tình làm suy yếu VND nhằm đạt được lợi thế xuất khẩu.

Tuy nhiên, UOB dự báo, VND sẽ giảm nhẹ trở lại trong thời gian tới với mức 22.900 đồng/USD trong quý IV/2021, 23.000 đồng/USD trong quý I/2022, 23.100 đồng/USD trong quý II/2022 và 23.200 đồng trong quý III/2022.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục