Unilever hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham gia Hội nghị “Kinh doanh tạo tác động” được tổ chức tại TP.HCM mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam đã chia sẻ về tầm nhìn phát triển bền vững giúp thúc đẩy mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Unilever hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn

Một trong những giải pháp cho bức tranh tiêu dùng bền vững mà Unilever đang hướng tới chính là mô hình kinh tế tuần hoàn.

“Trung bình ước tính, cứ 10 - 15 năm là Trái đất của chúng ta có thêm tầm 1 tỷ người. Đến năm 2050, con số này sẽ vào khoảng 10 tỷ người. Nhưng Trái đất thì không ‘nở’ to ra. Chúng ta chỉ có một hành tinh này để sinh sống và bảo vệ. Vậy nên tính cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển bền vững – điển hình là tạo ra những tác động tích cực đến môi trường – là điều tất cả chúng ta cần chung tay thực hiện ngay để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng môi trường”, nữ Chủ tịch của Unilever Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết từ những mối bận tâm cấp thiết trước mắt, cho đến những vấn đề trong dài hạn của tương lai, như giúp giảm sử dụng các nguồn nguyên liệu không thể tái tạo, cắt giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, giảm rác thải ra môi trường, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn.

Một ví dụ điển hình tại Việt Nam mà Unilever luôn thúc đẩy đó chính là việc xây dựng và triển khai mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa.

“Bài toán về bao bì nhựa rất lớn tại Việt Nam và với Unilever nói riêng. Chính vì vậy, chúng tôi cần đảm bảo đến năm 2025, tất cả bao bì nhựa của Unilever phải có khả năng tái chế, giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì - đồng nghĩa cần tăng cường sử dụng nhựa tái sinh, đồng thời chúng tôi cần thu gom và xử lý lượng nhựa nhiều hơn lượng bao bì chúng tôi bán ra. Chúng tôi mạnh mẽ trong tuyên ngôn của mình. Nhưng Unilever không thể làm một mình mà cần đến sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác, các doanh nghiệp xã hội, những nguồn đầu tư ‘xanh’ và sự chung tay của tất cả mọi người”, bà Bích Vân chia sẻ.

Chủ tịch Unilever cũng nhấn mạnh, để giữ nhựa trong vòng tuần hoàn, chúng ta không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Có thể nói đây chính là mục tiêu kép – vừa tăng trưởng kinh tế, vừa thúc đẩy xã hội và môi trường phát triển – mà mọi doanh nghiệp ngày nay nên hướng đến.

Khi được hỏi quan điểm về vấn đề nguồn lực vẫn là rào cản khi doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tác động tốt tới môi trường và xã hội tại Việt Nam, bà Bích Vân nhấn mạnh: "Một khi đã có tư duy nghiêm túc về phát triển bền vững thì bài toán kinh tế nào cũng có thể giải quyết. Nếu bản thân doanh nghiệp có đủ nguồn lực để triển khai các chiến lược, sáng kiến phát triển bền vững, thì hành động ngay bây giờ của doanh nghiệp chính là nguồn động lực và trợ lực to lớn cho hành trình chung của đất nước. Nếu doanh nghiệp chưa thể tự triển khai, thì sự hợp tác chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển bền vững, góp phần tạo ra giá trị chung".

N.Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục