Ứng xử thế nào khi cổ đông phủ quyết mọi tờ trình?

(ĐTCK) Thời gian gần đây, tại nhiều doanh nghiệp đã diễn ra tình trạng hàng loạt tờ trình của Hội đồng quản trị tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đã bị phủ quyết. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là điều này sẽ ảnh hưởng ra sao tới hoạt động của doanh nghiệp và ban điều hành. 
Ứng xử thế nào khi cổ đông phủ quyết mọi tờ trình?

ĐHĐCĐ thường niên CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) mới đây đã kéo dài từ sáng tới tận chiều muộn và một nhóm cổ đông Việt Nam đã phủ quyết báo cáo tài chính 2015, tờ trình thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016...

Hay như tại ĐHĐCĐ CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC), cổ đông từng phủ quyết toàn bộ các tờ trình vì cho rằng có nhiều khuất tất trong hoạt động. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông của CTCP Vicostone (nay là VCS Stone) từng ầm ĩ khi cổ đông lớn phủ quyết toàn bộ tờ trình.

Việc phủ quyết các tờ trình cũng là sự bất đắc dĩ khi giữa các nhóm cổ đông lớn không đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề nội bộ doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại STT, mâu thuẫn kéo dài và dai dẳng với nhiều đơn thư phản ánh, khởi kiện. Tại ĐHĐCĐ, một nhóm cổ đông bức xúc vì tại ĐHĐCĐ năm trước Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT người Nhật Bản Kakazu Shogo đã cam kết Công ty đạt lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng trong năm 2015, nhưng kết quả Công ty lỗ 20 tỷ đồng và lũy kế đến hết 31/12/2015, nâng lỗ lũy kế của Công ty lên 46,4 tỷ đồng. Hai nhóm cổ đông Nhật Bản – Việt Nam đòi bãi nhiệm lẫn nhau.

Vào năm ngoái, một nhóm cổ đông PNC đã phủ quyết toàn bộ tờ trình vì cho rằng Hội đồng quản trị và Ban điều hành có nhiều sai phạm trong quản lý doanh nghiệp. PNC có vốn góp tại Công ty TNHH Truyền thông Megastar và đã thế chấp để vay Công ty Cross Junction Investment Pte.Ltd số tiền 7 triệu USD. Dù là thế chấp, nhưng PNC cam kết chuyển các quyền của cổ đông tại Megastar cho bên cho vay và bên cho vay có quyền bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ với bất cứ giá nào mà bên PNC không được quyền có ý kiến.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2012 của CTCP Vicostone, cổ đông lớn nước ngoài đã phủ quyết toàn bộ tờ trình sau khi đề xuất sửa đổi Điều lệ để bổ sung thêm người vào HĐQT không được Đại hội chấp thuận.

Việc phủ quyết tờ trình kết quả kinh doanh năm cũ, kế hoạch kinh doanh năm nay không có nghĩa là doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhưng thực tế cho thấy việc “cơm không lành canh không ngọt” trong nội bộ đều ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty BASICO), về mặt pháp lý, ban điều hành vẫn có thẩm quyền điều hành doanh nghiệp mà không phụ thuộc vào ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, một số giao dịch cụ thể có thể bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ khó khăn vay vốn ngân hàng nếu báo cáo tài chính năm liền kề không được ĐHĐCĐ thông qua.

Ngoài ra, về nguyên tắc, hàng năm, công ty cổ phần đều phải thông qua báo cáo tài chính, thông qua định hướng phát triển công ty, kế hoạch kinh doanh trong năm...

“Dựa trên kế hoạch đó, các phòng, ban của công ty có căn cứ để thực hiện. Trong trường hợp không có kế hoạch kinh doanh trong năm, cổ đông cũng sẽ thiếu căn cứ, tiêu chí để đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo từng quý, từng năm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hội đồng quản trị, ban điều hành”, luật sư Khoa nói.

Cũng nói thêm rằng, doanh nghiệp, cổ đông có thể tự giải quyết nội bộ,  tuy nhiên, điều này không đơn giản với các cổ đông. Và với tỷ lệ sở hữu đủ để phủ quyết các tờ trình tại ĐHĐCĐ thì nhóm cổ đông hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty cung cấp các tài liệu, văn bản hoặc yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.

“Dựa trên căn cứ này, các nhóm cổ đông có thể đàm phán với nhau hoặc là nhờ cơ quan quản lý, tòa án, cơ quan điều tra giải quyết để bảo vệ quyền lợi”, luật sư Khoa nói.            

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục