Điểm chung là hoạt động này diễn ra bình đẳng, công bằng, trọng tâm chương trình hành động của các ứng viên cũng là những vấn đề cuộc sống đòi hỏi và cử tri đang trông đợi.
Sẽ trình Quốc hội sửa Luật Đất đai
Vì điều chỉnh chương trình làm việc để chống Covid-19, nên ở nhiều nơi, cả số cuộc tiếp xúc và số lượng cử tri đều giảm. Nơi nào dịch chưa căng thẳng, có thể có khoảng 100 hoặc hơn 100 cử tri đến dự trực tiếp mỗi cuộc, nhưng có nơi chỉ có chừng 70 người.
Dù trực tiếp hay trực tuyến, dù bao nhiêu cử tri tham dự, thì khâu bắt buộc là các ứng viên đều lần lượt trình bày chương trình hành động, nếu trúng cử. Địa vị khác nhau, lĩnh vực công tác khác nhau, nên chương trình hành động không ai giống ai, song đều có thông điệp chung là nếu trúng cử sẽ gắn bó mật thiết với cử tri, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ làm người đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước.
Một phần quan trọng với các ứng viên là lắng nghe và hồi âm ý kiến của cử tri tại cuộc tiếp xúc. Bên cạnh mong muốn chung là các ứng viên hãy làm đúng như chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu, nhiều cử tri cũng nêu các vấn đề cụ thể cần được Quốc hội quan tâm, trong đó có việc sửa Luật Đất đai.
Thực ra, đây cũng không phải vấn đề mới. Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội khóa XIV, kiến nghị của cử tri đều nêu bức xúc về những bất cập của Luật Đất đai hiện hành. Quốc hội đương nhiệm cũng từng đưa Dự án Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình, sau đó lại rút ra để có thêm thời gian chuẩn bị.
Tiếp xúc với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và những người ứng cử tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cử tri đề nghị các ứng viên nếu trúng cử phải trình Quốc hội sửa Luật Đất đai 2013, vì luật này đang gây nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến các công trình trọng điểm, đến đời sống của nhân dân.
Hồi âm ý kiến cử tri, ứng viên Phạm Bình Minh cho biết, việc sửa Luật Đất đai đã được dự kiến ở Quốc hội khóa XIV, song cần chuẩn bị kỹ càng hơn, đánh giá tác động toàn diện hơn, vì luật này có tác động hết sức lớn, không riêng với địa phương nào, mà ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Ông Phạm Bình Minh cũng cho biết, Chính phủ coi việc sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên, dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp cuối năm nay hoặc kỳ họp đầu tiên của năm sau.
Quan tâm hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai cũng được thể hiện ở chương trình hành động của nhiều đại biểu tái cử khác.
Là người đứng đầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ứng viên Hoàng Thanh Tùng khi tiếp xúc cử tri Sóc Trăng cho biết sẽ tham mưu cho Quốc hội về chương trình công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Trong chương trình hành động của mình, ông Hoàng Thanh Tùng cũng cam kết sẽ tăng cường giám sát công tác thi hành pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, trong đó có việc tháo gỡ các vướng mắc về chính sách đất đai, tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư.
“Tôi tiếp tục đề xuất với Quốc hội ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các luật điều chỉnh một số lĩnh vực bức xúc đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cử tri, nhất là các chính sách, pháp luật về đất đai, an sinh xã hội, quyền con người, quyền công dân...”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (ứng cử tại Đà Nẵng) viết trong chương trình hành động.
Canh cánh với nông nghiệp, nông dân
Trong danh sách 868 ứng viên đại biểu Quốc hội, chỉ có hai người có nghề nghiệp là nông dân, song sự quan tâm đến khu vực nông nghiệp và đời sống nông dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa khá đậm nét trong nhiều chương trình hành động của cả ứng viên Trung ương và địa phương.
Lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Đình Việt, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội) viết trong chương trình hành động của mình: “Về hoạt động giám sát, tôi sẽ đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát có hiệu quả những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, như vấn đề quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; vấn đề thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh”.
Tái ứng cử trên cương vị Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này, ông Hà Sỹ Đồng nêu hàng loạt khó khăn của khu vực nông thôn, như kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển; giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào không ổn định, tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, dịch bệnh trong chăn nuôi luôn có nguy cơ bùng phát, môi trường ngày càng bị ảnh hưởng...
Để góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn đó, theo ứng cử viên Hà Sỹ Đồng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải đề xuất, kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, các công trình phúc lợi xã hội; bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, thực phẩm.
“Tôi sẽ tích cực kiến nghị những giải pháp về chính sách với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, về việc hoàn thiện môi trường pháp lý và cải cách hành chính, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân theo pháp luật, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - coi đó là những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước, của tỉnh trong giai đoạn mới”, ông Hà Sỹ Đồng cam kết.
Nỗ lực hết sức mình phụng sự đất nước
Trong chương trình hành động của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (ứng cử tại TP.HCM) khẳng định, nếu được cử tri tín nhiệm, ông sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Về một số trọng tâm chính trong chương trình hành động, Chủ tịch nước cho biết sẽ quan tâm những vấn đề thiết thực về kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, như thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giảm thời gian, chi phí về thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh, an toàn, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm đến gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn…, chú trọng công tác an sinh xã hội của Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng vận động bầu cử tại TP.HCM
Trước khi được phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ứng cử viên Trần Lưu Quang là Phó bí thư Thành ủy TP.HCM và được phân bổ ở Đơn vị bầu cử số 9 (quận 4, 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ). Vì thế, việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của ông đương nhiên phải diễn ra ở đây. Nếu được cử tri TP.HCM tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, ông sẽ được chuyển sinh hoạt về Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng. Song ông Quang nói: “Dù làm đại biểu ở đâu, tôi cũng sẽ giúp bà con Cần Giờ, giúp TP.HCM phát triển. Trong nhiệm vụ của mình, dù ở đâu, tôi cũng hướng về TP.HCM, hướng về bà con Cần Giờ”.