Ứng phó trước kịch bản các dòng vốn đảo chiều

(ĐTCK) Động thái và các chiêu ra đòn của những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU… trong nửa đầu năm 2018 khiến cho triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm và thời gian tiếp theo được nhìn nhận ẩn chứa không ít yếu tố bất định. Từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động từ những xoay vần này.

Tăng trưởng giảm tốc

“Các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018, dù đầu năm đã có bước khởi đầu tốt”, đó là nhận định được giới chuyên gia chia sẻ tại buổi lễ công bố báo cáo mới nhất của ICAEW “Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á”.

Năm 2018, tăng trưởng của khu vực này được dự báo sẽ đạt 4,9 - 5,3%, do tăng trưởng xuất khẩu chỉ ở mức vừa phải trong toàn khu vực sau khi đã tăng mạnh trong năm 2017.

Với riêng Việt Nam, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Trưởng chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Oxford Economics nhận định, năm 2018, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,6%, giảm nhẹ so với mức 6,8% của năm ngoái.

Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ việc tăng trưởng xuất khẩu toàn khu vực Đông Nam Á giảm so với năm 2017. Đáng chú ý là mâu thuẫn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng nguy cơ dẫn đến kịch bản chiến tranh thương mại theo "tình huống xấu'.

Là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa, phụ thuộc nhiều vào thương mại đối ngoại, bảo hộ tăng và thương mại toàn cầu giảm sẽ có hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến Việt Nam, dù Việt Nam không phải là mục tiêu trực diện của chính sách tăng thuế quan. Sự phụ thuộc của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng khi tâm lý toàn cầu thay đổi.

Theo ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW, sức cầu ngoài nước của Việt Nam dự kiến sẽ giảm nhẹ, nhưng cầu trong nước trong năm 2018 dự báo sẽ tăng, nhờ thu hút luồng vốn FDI tốt, chi tiêu tiêu dùng sôi động và nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong giai đoạn 2019 - 2020, dự kiến tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 6,3% so với mức dự báo 6,6% cho năm nay, do giảm nới lỏng chính sách tiền tệ và chu kỳ thương mại toàn cầu bão hòa.

Phòng xa rủi ro dòng vốn đảo chiều

Những cú sốc mạnh trên các thị trường chứng khoán khu vực và thế giới, không riêng ở Việt Nam thời gian qua, khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi “Đó có phải là tín hiệu cảnh báo sớm của việc các dòng vốn đảo chiều? Thị trường sẽ còn trải qua nhiều giai đoạn bất ổn định trong khoảng thời gian ngắn so với trước đây?”.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về những mối quan tâm như vậy, bà Sian Fenner cho rằng, với các động thái chính sách Mỹ và châu Âu vừa qua, chúng ta vẫn chứng kiến thanh khoản tương đối tốt ở châu Á. Một điều chắc chắn rằng, chính sách tài khóa của Tổng thống Trump sẽ hút đầu tư về Mỹ, làm giảm FDI toàn cầu, nhưng tác động với châu Á không lớn, mà rủi ro lớn hơn sẽ đến với khu vực EU.

Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều như Hàn Quốc, Nhật Bản và theo quan điểm của chuyên gia này, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, 20 năm nay, lượng vốn đầu tư lớn đổ vào Trung Quốc, Ấn Độ. Kinh tế Trung Quốc trỗi dậy làm cả thế giới choáng váng, làm các quốc gia phải thay đổi chính sách theo và Mỹ đã phải tìm cách hút vốn ngược trở lại. Vấn đề đặt ra là Mỹ muốn hút vốn gì? Mỹ không thể hút tất cả, có những dòng vốn Mỹ không hút về, có khả năng vào Việt Nam hay không? Ông Thiên cho rằng, phân tích trong vùng nhiễu động này, tác động đến Việt Nam không mạnh.

Thu hút vốn FDI dự kiến sẽ vẫn đạt kết quả tốt trong trung hạn, do Việt Nam có lực lượng lao động lớn và mức lương tương đối thấp, có chủ trương mở cửa thương mại với số lượng lớn các hiệp định thương mại được ký kết và cải thiện được môi trường kinh doanh.

Tại cuộc họp về Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2020 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, các ý kiến cũng chia sẻ nhận định rằng, đến thời điểm này, ít có khả năng đảo chiều của dòng vốn FDI và dòng nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất và căng thẳng thương mại leo thang thì khả năng đảo chiều của dòng vốn nước ngoài cũng tăng theo, cần được theo dõi một cách thận trọng để có giải pháp điều hành phù hợp.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục