Ứng phó chính sách bảo hộ thương mại: Không chủ động sẽ "dính đòn"

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã chính thức thông báo việc Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ bắt đầu khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt nhập khẩu vào thị trường này. Chuyện tưởng không ảnh hưởng gì đến Việt Nam, nhưng thực tế không phải như vậy. Việt Nam có thể đã bắt đầu bị “dính đòn” vì chính sách bảo hộ của Mỹ.
Nhà máy của Samsung tại TP.HCM, nơi đang sản xuất máy giặt Nhà máy của Samsung tại TP.HCM, nơi đang sản xuất máy giặt

Cuộc chiến tay ba

Thông tin chính thức từ Cục Quản lý cạnh tranh, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) đã bắt đầu khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt nhập khẩu vào thị trường này.

Đây là vụ việc điều tra toàn cầu, tức là điều tra với tất cả máy giặt nhập khẩu vào Mỹ, không phân biệt xuất xứ. Bởi vậy, chuyện tưởng không ảnh hưởng gì đến Việt Nam, nhưng thực tế không phải như vậy.

“Do trong đơn kiện, nguyên đơn đã cáo buộc LG và Samsung là hai nhà sản xuất sản phẩm bị điều tra lớn nhất, mà hai nhà sản xuất này đều có nhà máy tại Việt Nam, nên Việt Nam được coi là một bên có liên quan của vụ việc”, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Thông tin cho biết, vụ việc bắt đầu bằng lá đơn của Whirlpool, nhà sản xuất đồ gia dụng tổng hợp, có lịch sử hơn 100 năm của Mỹ. Thời gian gần đây, do lượng nhập khẩu máy giặt từ thị trường nước ngoài vào thị trường Mỹ gia tăng khá nhanh chóng, nên thị phần của Whirlpool đã bị giảm đáng kể.

Nếu như quý I năm ngoái, Whirlpool nắm giữ 19,7% thị phần, vẫn đứng đầu thị trường, thì sang quý I năm nay chỉ còn 17,3% và bị Samsung giành mất vị trí quán quân.

Trong khi đó, thị phần máy giặt tại Mỹ của Samsung đã tăng từ 16,2% quý I năm ngoái lên 19,7% trong quý I năm nay. Còn LG cũng tăng từ 16,6% lên 16,8%, giữ vị trí thứ ba. Maytag và GE là hai thương hiệu giữ các vị trí tiếp theo, với tương ứng 15,9% và 11,7% thị phần.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu Whirlpool - khi bị sụt giảm thị phần - đi nghiên cứu thị trường để cải tiến chất lượng, giá thành sản phẩm nhằm giành lại sự tin yêu của khách hàng, đằng này, họ lại chọn cách sử dụng biện pháp đối phó “phi thị trường” để hạn chế hàng nhập khẩu, như áp dụng biện pháp tự vệ và khởi kiện chống bán phá giá…

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên cuộc chiến tay ba này diễn ra. Năm 2011, Whirlpool từng yêu cầu điều tra chống bán phá đối với sản phẩm máy giặt nhập khẩu từ nước ngoài. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đã áp dụng thuế quan chống bán phá giá đối với sản phẩm này, nhưng năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi kiện lên WTO và đã thắng kiện vào năm ngoái.

Năm 2016, Whirlpool lại tiếp tục đề nghị ITC áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với máy giặt Hàn Quốc được sản xuất tại Trung Quốc và điều này đã được Chính phủ Mỹ chấp thuận, áp dụng mức thuế lần lượt là 52,5% và 32,1% tương ứng với các sản phẩm máy giặt của Samsung/ LG.

Cuộc chiến giờ đây lại tiếp tục, khi Whirlpool cáo buộc rằng, Samsung và LG đã xuất khẩu theo đường vòng bằng cách chuyển cứ điểm sản xuất của mình sang Thái Lan và Việt Nam, nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc. Nhà sản xuất này đã quyết định khởi kiện, đòi áp dụng biện pháp tự vệ (Safe Guard) lên ITC.

Hẳn nhiên, cả Samsung và LG đều đã phản ứng với động thái này của Whirlpool. Trên báo chí nước ngoài, đại diện của LG phản bác rằng, Công ty Whirlpool do không thể cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu như LG tại thị trường Mỹ, nên đã lợi dụng quy chế của Chính phủ nhằm giới hạn sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Còn Samsung bày tỏ quan điểm, người tiêu dùng Mỹ lựa chọn sản phẩm của họ bởi thiết kế và những cải tiến của máy giặt. “Vì vậy, chắc chắn người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại nhiều nhất vì nguyên đơn đã giới hạn quyền lựa chọn của khách hàng, nâng giá thành sản phẩm và không tạo ra đột phá về cải tiến. Chúng tôi không thể chấp nhận căn cứ cho rằng, Whirlpool bị thiệt hại vì việc nhập khẩu sản phẩm máy giặt của Samsung”, đại diện của Samsung nói.

Bắt đầu… “dính đòn”

Mọi thứ mới chỉ đang bắt đầu, nhưng nếu biện pháp tự vệ được Mỹ áp dụng, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm máy giặt từ Việt Nam, và không chỉ riêng đối với Samsung hay LG.

Tại Việt Nam, không chỉ Samsung hay LG, mà cả Panasonic, rồi cả Sanyo Aqua đều đã có các nhà máy sản xuất máy giặt, để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, quy mô lớn chỉ có Samsung và LG, hơn nữa, phía Mỹ cũng đang nhắm nhiều hơn tới hai nhà sản xuất lớn này.

LG đã khánh thành tổ hợp công nghệ LG Electronics tại Hải Phòng, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD từ tháng 3/2015, nhưng thực tế đã sản xuất máy giặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Trong khi đó, nhà máy của Samsung  tại TP.HCM, có vốn đầu tư 2 tỷ USD, bắt đầu đi vào hoạt động vào giữa năm ngoái.

Thông tin cho biết, năm 2017, Samsung dự kiến xuất khẩu 1 triệu sản phẩm máy giặt sang thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, các kế hoạch của Samsung cũng như LG có thể bị ảnh hưởng, khi Mỹ áp dụng mức thuế cao hoặc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu.

“Nếu cơ chế Safe Quard của Whirlpool được công nhận thì dự kiến việc xuất khẩu sang Mỹ sản phẩm máy giặt made in Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị tác động to lớn. Chúng tôi cũng lo ngại rằng, việc này sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam”, lãnh đạo của Samsung tại Việt Nam đã chia sẻ với Báo Đầu tư như vậy.

Nhưng câu chuyện hiện thời với Việt Nam, không chỉ là với riêng sản phẩm máy giặt và cũng không phải chỉ là cuộc chiến tay ba Whirlpool - Samsung - LG. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia đã bày tỏ mối lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tếViệt Nam, khi vị tổng thống này có xu hướng bảo hộ thương mại.

“Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ và sang cả châu Âu đã không còn tăng trưởng như trước. Xu hướng bảo hộ mậu dịch của Mỹ là điều cần quan tâm, bởi sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam”, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Và dường như, Việt Nam đã bắt đầu… “dính đòn”. Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, đây là vụ việc điều tra tự vệ thứ hai của Mỹ trong thời gian gần đây và có liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Cuối tháng 5 vừa qua, vụ điều tra tự vệ thứ nhất đã được khởi xướng đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời.

“Tự vệ là biện pháp rất ít khi được Mỹ sử dụng, lần gần đây nhất là năm 2001 - 2002. Nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, Mỹ đã liên tiếp khởi xướng 4 vụ việc phòng vệ thương mại (bao gồm 2 vụ chống bán phá giá, 2 vụ tự vệ thương mại) có liên quan đến Việt Nam. Điều này cho thấy, xu hướng bảo hộ khá rõ rệt và ngày càng gia tăng của Mỹ”, ông Nguyễn Phương Nam khẳng định.

Việt Nam đang xuất khẩu rất lớn sang Mỹ, với 38,46 tỷ USD trong năm 2016 và đang thặng dư thương mại từ thị trường này xấp xỉ 30 tỷ USD. Đây là con số rất đáng lưu ý trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump luôn muốn “chống lại thương mại không công bằng”.

“Nếu Mỹ tạo ra làn sóng bảo hộ thương mại, thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động vô cùng nặng nề”, Alexsander Vuving, chuyên gia phân tích chính trị Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương (ACSS) ở Hawaii đã nói như vậy.

Có thể là chưa đến mức “vô cùng nặng nề” như vậy, song rõ ràng, những động thái gần đây từ phía Mỹ cho thấy, sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam. Câu chuyện có thể sẽ không dừng lại ở pin năng lượng mặt trời hay máy giặt. Hơn nữa, trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam, thì rất có thể, Việt Nam cũng sẽ liên tiếp trở thành “một bên có liên quan” như trong vụ việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với máy giặt.

Hành động thế nào cho đúng?

Thừa nhận rằng, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng phó với các vụ việc tự vệ do Mỹ khởi xướng còn tương đối hạn chế, song ông Nguyễn Phương Nam cho biết, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệptrong cập nhật, thông báo diễn biến vụ việc; phối hợp cùng các bên liên quan bày tỏ quan điểm tại các diễn đàn thương mại đa phương, song phương (nếu thích hợp), cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên điều trần…

“Việc doanh nghiệp và Chính phủ cùng phối hợp tham gia vụ việc này là rất quan trọng. Doanh nghiệp tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích của mình với tư cách là bên bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính phủ tham gia với vai trò đại diện, đồng hành, hỗ trợ và sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời cũng để tích lũy thêm kinh nghiệm trong việc ứng phó và hỗ trợ doanh nghiệp, nếu có vụ việc xảy ra trong tương lai”, ông Nguyễn Phương Nam nói.

Tuy nhiên, câu chuyện trong vấn đề này không chỉ là ứng phó sau khi đã bị khởi xướng các vụ điều tra, mà là làm sao chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong khi Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong cả trường hợp này, vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp cũng đều rất quan trọng.

USITC thông báo sẽ tổ chức 2 phiên điều trần về vấn đề thiệt hại và biện pháp khắc phục thiệt hại. Cụ thể, phiên điều trần về thiệt hại sẽ diễn ra vào ngày 7/9/2017; phiên điều trần về biện pháp khắc phục diễn ra vào ngày 19/10/2017. Các bên mong muốn tham gia các phiên điều trần này phải đăng ký trong hoặc trước ngày 31/8/2017 và ngày 13/10/2017, tương ứng với hai phiên điều trần. 
Dự kiến, USITC sẽ ra kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 122 ngày kể từ khi đơn kiện được nộp (dự kiến vào ngày 5/10/2017), và sẽ nộp báo cáo lên Tổng thống Mỹ để ra quyết định về việc có áp dụng biện pháp không trong vòng 180 ngày kể từ ngày đơn kiện được nộp (dự kiến vào 4/12/2017). 

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục