>> Loại bỏ 424 dự án thủy điện
“Xác định diện tích đất rừng bị mất do thủy điện trách nhiệm thuộc về ai?” Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Xung quanh quy hoạch thủy điện có ba vị phạm lớn. Vi phạm thứ nhất, là vi phạm về quy trình quy hoạch, lập quy hoạch. Vi phạm thứ hai, là vi phạm về luật là Nghị quyết 49 của Quốc hội năm 2010 xác định từ tháng 6-2010, nhưng tháng 7-1011, Chính phủ lại bổ sung điều chỉnh quy hoạch. Điều đó là vi phạm luật. Thứ ba là, vi phạm Luật bảo vệ môi trường, khi đơn thuần chỉ tính lợi ích kinh tế mà không tính đến lợi ích về môi trường, xã hội.
Rất mừng là kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Thường vụ Quốc hội cũng đã chuẩn bị cho Quốc hội ban hành nghị quyết xung quanh điều chỉnh quy hoạch thủy điện.
Tôi cho rằng, Nghị quyết này phải làm rõ trách nhiệm trong thực hiện quy trình, quy hoạch. Ở đây trách nhiệm có cả chính quyền địa phương, và bộ ngành liên quan, thì phải chỉ rõ chủ thể trách nhiệm trong thực hiện quy trình, quy hoạch. Thứ hai là, chỉ rõ trách nhiệm cụ thể trong quá trình tham mưu cho Chính phủ bổ sung quy hoạch 2 thủy điện là Đồng Nai 6, và 6A, cùng với 6 dự án thủy điện bậc thang. Bởi dự án thủy điện bậc thang rất là quan trọng, ảnh hưởng đến lưu vực sông ở vùng hạ lưu.
Tôi cho rằng, trong Nghị quyết của Quốc hội lần này cũng đề nghị quan tâm việc xác định diện tích đất rừng bị mất do thủy điện trách nhiệm thuộc về ai? Phải làm rõ để tránh hệ lụy sau này là tái lập việc thủy điện làm không đúng quy trình, quy hoạch, vi phạm đến công tác bảo vệ rừng.
“Để lập dự án doanh nghiệp tốn kém rất nhiều” Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM)
Vừa rồi, Chính phủ đã mạnh dạn cắt giảm các dự án thủy điện nhằm điều chỉnh sự lạm dụng thái quá về thủy điện. Nhưng, để cho phép doanh nghiệp lập dự án tốn kém rất nhiều, có khi hàng chục tỷ - hàng trăm tỷ đồng rồi lại bị gạt đi. Vậy thì thiệt hại này như thế nào?
Chúng ta không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ là phải xem lại chất lượng quy hoạch để làm sao rủi ro ít nhất cho doanh nghiệp. Chúng ta phải tính toán, không thể chỉ nhìn một phía. Anh quy hoạch rồi bảo tôi lập dự án, tôi bỏ tiền ra, giờ anh lại bảo tôi thôi không làm nữa, vậy thì rủi ro thiệt hại quá lớn cho tôi.
Chúng ta hiện đang thiếu một đạo luật về quy hoạch, chúng ta chỉ mới có luật quy hoạch đô thị, nhưng còn nhiều loại quy hoạch khác. Ở đây, quy hoạch là chủ quan của nhà nước, còn đầu tư kinh doanh lại theo thị trường. Phải giải quyết mối quan hệ trách nhiệm của cơ quan quy hoạch nhà nước với nghĩa vụ liên quan đến doanh nghiệp, thị trường.
“Đương nhiên trách nhiệm trước hết là Bộ Công thương và UBND địa phương” Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP. HCM)
Riêng Thủy điện 6 và 6A, kể cả Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cả Chính phủ đều đã đưa vào quy hoạch. Chính phủ cũng đã phê duyệt nhưng cuối cùng do bức xúc của địa phương, hiệu quả kinh tế xã hội không cao bằng hậu quả, cuối cùng dự án này bị dừng, rút ra khỏi quy hoạch.
Rõ ràng điều đó trước hết là đúng theo yêu cầu của nhân dân, nhưng ngược lại là thiệt hại cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp bởi vì người ta đã phải bỏ ra khoản phí ban đầu để khảo sát, xây dựng dự án.
Trong trường hợp này, đương nhiên trách nhiệm trước hết là Bộ Công thương và UBND địa phương. Đây là 2 cơ quan phải có trách nhiệm đối với các dự án quy hoạch của các dự án khi kêu gọi đầu tư để phát triển dự án thủy điện.
Ủng hộ phương án cắt giảm dự án thủy điện
(ĐTCK) Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với việc Chính phủ cắt giảm 424 dự án thủy điện.