Ứng dụng chuyển đổi số bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Đây là chiến lược quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, giúp giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách, nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài.
Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam

Thể hiện trách nhiệm với môi trường

Đây là lý do đầu tiên để doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số bền vững. Ngày nay, các doanh nghiệp không chỉ tập trung thu về lợi nhuận khi kinh doanh, mà còn chịu trách nhiệm duy trì sự bền vững của môi trường. Chuyển đổi số bền vững giúp giảm việc tiêu thụ năng lượng và hỗ trợ sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn trong các tổ chức. Điều này góp phần làm giảm lượng khí thải nhà kính và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc triển khai các công nghệ số có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Từ việc tự động hóa, phân tích dữ liệu đến Internet vạn vật (IoT) có thể hệ thống hóa các quy trình, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí vận hành.

Ứng dụng chuyển đổi số bền vững cũng thúc đẩy sự đổi mới trong thiết kế sản phẩm và cung cấp dịch vụ, từ đó mở ra các dòng doanh thu và thị trường mới. Một số thị trường và khách hàng quan tâm đến các biện pháp thực hành bền vững như một phần trong tiêu chí mua sắm của họ và sự bền vững là điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường đó.

Việc ứng dụng chuyển đổi số bền vững có thể là lợi thế giúp doanh nghiệp khác biệt với các đối thủ cạnh tranh và thu hút thêm những khách hàng đề cao các hành động vì môi trường.

Thúc đẩy sự phát triển kinh tế

Việc giám sát tác động đến môi trường, phân tích Big data và trí tuệ nhân tạo (AI) góp phần tạo nên sự bền vững trong nền kinh tế số. Big data và AI có nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như cải thiện chất lượng y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý thành phố thông minh và khai thác năng lượng bền vững. Việc ứng dụng này cho phép nhiều tổ chức xác định hoạt động nào cần giảm tác động đến môi trường, dự đoán và phân tích những ảnh hưởng xấu tới môi trường, giúp mang lại hiệu quả tài nguyên cao hơn và sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo.

Vấn đề quản lý chất thải đã được giải quyết bằng nền kinh tế tuần hoàn và tiêu dùng bền vững. Những hoạt động này thúc đẩy các hoạt động sử dụng gắn liền với tính bền vững như tái sản xuất và sửa chữa, tái sử dụng và tái chế. Tương tự, tiêu dùng bền vững có thể có tác động đáng kể đến tính bền vững thông qua việc khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.

Những đổi mới công nghệ tiên tiến như IoT có thể nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giám sát việc sử dụng tài nguyên trong thời gian thực, từ đó xác định những điểm thiếu hiệu quả trong sử dụng tài nguyên và cơ hội phục hồi nguồn tài nguyên.

Những thách thức

Việc ứng dụng chuyển đổi số bền vững có thể là lợi thế giúp doanh nghiệp khác biệt với các đối thủ cạnh tranh và thu hút thêm những khách hàng đề cao các hành động vì môi trường.

Công nghệ phát triển và chuyển đổi số nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ mất việc làm. Ngày nay, nhiều ngành nghề áp dụng nền tảng chuyển đổi số để giảm chi phí lao động. Khả năng xảy ra khoảng cách về kỹ năng cũng ngày càng tăng do nhân viên có thể không thích ứng được với sự thay đổi của công nghệ và thị trường việc làm. Sự xuất hiện liên tục của những đổi mới đã khiến nhân viên gặp khó trong việc duy trì các kỹ năng cần thiết để đảm bảo việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng gây tổn hại đến chất lượng cuộc sống và xã hội.

Quyền riêng tư dữ liệu là một vấn đề có thể làm suy giảm nỗ lực hướng tới phát triển bền vững. Một lượng lớn dữ liệu cá nhân được hầu hết các công ty sử dụng công nghệ kỹ thuật số thu thập, xử lý và chia sẻ, dẫn đến những lo ngại về quyền riêng tư và sự an toàn của dữ liệu. Đã có nhiều trường hợp thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị truy cập trái phép, xảy ra vi phạm dữ liệu hoặc thông tin cá nhân bị bán cho bên thứ ba. Những vấn đề này ảnh hưởng đến niềm tin của cá nhân vào chuyển đổi số và quá trình thực thi sự phát triển bền vững.

Công nghệ hiện đại có thể tạo ra nhiều rác thải điện tử hơn cho môi trường và sức khỏe con người. Việc thiếu hệ thống quản lý chất thải điện tử phù hợp càng làm trầm trọng thêm vấn đề vì hầu hết các quốc gia không có đủ cơ sở hạ tầng và nguồn lực để quản lý chất thải điện tử. Các giải pháp không bền vững như chôn lấp rác thải điện tử hay xuất khẩu trái phép sang các nước đang phát triển còn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Doanh nghiệp nên làm gì?

Doanh nghiệp có thể tham khảo 3 hành động dưới đây để sử dụng cho việc ứng dụng chuyển đổi số bền vững, giúp tổ chức của mình đạt được mục tiêu ESG và tối ưu các khoản đầu tư chuyển đổi số:

Bước đầu tiên trong việc áp dụng chuyển đổi số bền vững là dự đoán và vẽ ra bức tranh tổng thể về cơ hội và rủi ro mà tổ chức gặp phải khi xây dựng tính bền vững. Dựa trên những điều này, các tổ chức có thể thực hiện các chiến lược có tính bền vững mang lại lợi ích cho tổ chức, giám sát và cải thiện quá trình chuyển đổi số bền vững.

Việc xem xét các tác động của chuyển đổi số đến các hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết. Ví dụ: Cần xem xét tác động của chuyển đổi số trong dây chuyền sản xuất, như lắp ráp, vận chuyển hàng hóa hay việc loại bỏ các nguồn tài nguyên hết hạn sử dụng diễn ra như thế nào.

Để duy trì các tiêu chuẩn chuyển đổi số bền vững, doanh nghiệp nên tiến hành kiểm tra quá trình chuyển đổi thường xuyên.

Khi thực hiện chuyển đổi số, cần xác định các mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường được, phù hợp với sứ mệnh và giá trị chung của tổ chức. Chuyển đổi số bền vững bao gồm việc đặt ra các mục tiêu kinh doanh và mục tiêu về môi trường có thể đo lường được để kiểm soát. Mỗi mục tiêu trong số đó phải được liên kết với một kết quả kinh tế và tài chính rõ ràng, có KPI cũng như các biện pháp khuyến khích minh bạch để có thể theo dõi tiến trình đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Bằng cách truyền đạt các mục tiêu và kết quả có thể đo lường được, các công ty có thể quản lý kỳ vọng và nhận thức tốt hơn. Hơn nữa, do nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch nên việc đo lường là rất quan trọng để cung cấp thông tin cho các bên liên quan ra quyết định và thực hiện hành động đúng đắn.

Để đảm bảo đo lường hiệu quả, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống dữ liệu hiệu quả. Việc thiết lập tính toàn vẹn dữ liệu là rất quan trọng vì nó giúp các doanh nghiệp trình bày và trực quan hóa thông tin hỗ trợ việc ra quyết định. Nguồn dữ liệu tốt hơn dẫn đến quy trình đo lường và ra quyết định tốt hơn.

Sau khi đặt ra các mục tiêu có thể đo lường được, doanh nghiệp cần lựa chọn những công nghệ bền vững phù hợp. Việc chọn các công cụ công nghệ số phù hợp với mục tiêu bền vững có thể kể đến như dùng điện toán đám mây để tiết kiệm năng lượng, ứng dụng IoT để giám sát tài nguyên, dùng AI để dự đoán…

Các kế hoạch triển khai chuyển đổi số bền vững cần phải được thực thi đồng bộ từ trên xuống dưới ngay từ những bước đầu tiên triển khai. Các nhà lãnh đạo tạo ra lộ trình chuyển đổi và sự tham gia của nhân viên là yếu tố quyết định giúp các thay đổi được thực thi hiệu quả, khẳng định được tính minh bạch và dân chủ trong tổ chức. Doanh nghiệp nên đào tạo nhân viên về phương pháp ứng dụng các công cụ chuyển đổi số bền vững, đồng thời khởi tạo và duy trì văn hóa bền vững trong tổ chức của mình.

Cuối cùng, cần kết nối và lan tỏa chuyển đổi số bền vững với nhà đầu tư và khách hàng. Truyền đạt các nỗ lực chuyển đổi số bền vững đến cộng đồng doanh nghiệp, tiếp nhận nhanh chóng các ý kiến đóng góp, đồng thời liên tục cam kết đối với việc chuyển đổi số bền vững sẽ giúp nâng cao đáng kể vị thế doanh nghiệp.

Lê Khánh Lâm (Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục