UBCK lấy ý kiến về dự thảo thành lập quỹ ETF

Ủy ban chứng khoán nhà nước đề nghị các thành viên thị trường tham gia ý kiến đóng góp bằng văn bản và gửi về trước ngày 22/9.
UBCK lấy ý kiến về dự thảo thành lập quỹ ETF

Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán vừa công bố dự thảo Thông tư thành lập quỹ hoán đổi danh mục (Exchange-traded fund hay còn gọi là quỹ ETF).

 

Quỹ hoán đổi danh mục (Exchange-Traded Fund), gọi tắt là quỹ ETF, là quỹ hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục cơ cấu lấy đơn vị quỹ. Chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán.

 

Thành viên lập quỹ ETF là công ty chứng khoán, có nghiệp vụ môi giới, tự doanh; hoặc ngân hàng thương mại được công ty quản lý quỹ lựa chọn tham gia tạo lập quỹ ETF. Mệnh giá đơn vị quỹ ETF khi chào bán lần đầu ra công chúng là 10.000 đồng.

 

Giá trị tài sản ròng tham chiếu trên một đơn vị quỹ (iNAV) là giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ ETF được xác định trong khoảng thời gian giữa phiên giao dịch.

 

Hoán đổi danh mục là việc đổi danh mục cơ cấu lấy các lô đơn vị quỹ ETF và ngược lại giữa quỹ ETF (thông qua công ty quản lý quỹ) và thành viên lập quỹ, nhà đầu tư.

 

Một lô đơn vị quỹ ETF bao gồm tối thiểu một triệu (1.000.000) đơn vị quỹ ETF. Lô ETF là đơn vị giao dịch trong giao dịch theo cơ chế hoán đổi danh mục giữa quỹ (thông qua công ty quản lý quỹ) và thành viên lập quỹ, nhà đầu tư.

 

Trường hợp là chỉ số cổ phiếu: có tối thiểu mười (10) cổ phiếu trong danh mục (đối với trường hợp chỉ số cổ phiếu). Tỷ trọng của mỗi cổ phiếu trong danh mục chỉ số không vượt quá 20% giá trị của chỉ số;

 

Trường hợp là chỉ số trái phiếu: có tối thiểu ba (3) trái phiếu trong danh mục. Tỷ trọng mỗi trái phiếu trong danh mục chỉ số không vượt quá 30% giá trị của chỉ số, trừ trường hợp chỉ số trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Giao dịch hoán đổi danh mục cơ cấu lấy lô đơn vị quỹ ETF và ngược lại (giao dịch sơ cấp).

 

Việc hoán đổi danh mục cơ cấu lấy các lô đơn vị quỹ ETF áp dụng cho nhà đầu tư, thành viên lập quỹ thực hiện theo nguyên tắc sau:

 

a) Chỉ nhà đầu tư đáp ứng một số các điều kiện đã được quy định rõ tại điều lệ quỹ và bản cáo bạch, và thành viên lập quỹ được hoán đổi danh mục cơ cấu lấy các lô đơn vị quỹ hoặc hoán đổi các lô đơn vị quỹ lấy danh mục cơ cấu thông qua công ty quản lý quỹ;

 

b) Giao dịch hoán đổi của nhà đầu tư chỉ được thực hiện thông qua thành viên lập quỹ, nơi nhà đầu tư đã ký hợp đồng dịch vụ về giao dịch hoán đổi;

 

c) Tần suất giao dịch hoán đổi thực hiện theo quy định tại điều lệ quỹ, bản cáo bạch, bản cáo bạch tóm tắt, nhưng tối thiểu không ít hơn hai (02) lần trong một (01) tháng;

 

d) Đơn vị giao dịch là một lô đơn vị quỹ ETF. Trường hợp điều lệ quỹ có quy định và đã được công bố tại bản cáo bạch, công ty quản lý quỹ có quyền điều chỉnh số lượng đơn vị quỹ trong một lô đơn vị quỹ ETF, tuy nhiên phải bảo đảm một lô có không ít hơn 1.000.000 đơn vị quỹ. Trong trường hợp có sự điều chỉnh, thời điểm áp dụng lô đơn vị quỹ mới sớm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày thông tin về quy mô lô đơn vị quỹ mới được công bố trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán, công ty quản lý quỹ, thành viên lập quỹ và các đại lý phân phối (nếu có);

 

đ) Lệnh giao dịch hoán đổi của thành viên lập quỹ và của nhà đầu tư được chuyển tới công ty quản lý quỹ và phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

 

Quy trình giao dịch hoán đổi thực hiện như sau:

 

Trước phiên giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF hoặc cuối ngày giao dịch liền trước ngày giao dịch hoán đổi, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm thông báo cho thành viên lập quỹ và công bố trên trang thông tin điện tử của mình và của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán về danh mục cơ cấu, giá trị tài sản ròng của quỹ, giá trị tài sản ròng trên một lô đơn vị quỹ, giá trị tài sản ròng trên một đơn vị quỹ. Danh mục cơ cấu và giá trị tài sản ròng xác định trên cơ sở giá cuối ngày của chứng khoán cơ cấu tại ngày giao dịch liền trước ngày giao dịch chứng chỉ quỹ;

 

Lệnh giao dịch hoán đổi của nhà đầu tư được chuyển trực tiếp tới thành viên lập quỹ (trực tiếp hoặc thông qua đại lý phân phối). Lệnh của nhà đầu tư và của thành viên lập quỹ, sau đó được thành viên lập quỹ chuyển cho công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát. Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xác nhận và chuyển lệnh tới Trung tâm lưu ký chứng khoán trước thời điểm đóng sổ lệnh tại ngày giao dịch.

 

Trường hợp thành viên lập quỹ không thể tiếp nhận được lệnh từ nhà đầu tư do đại lý phân phối, thành viên lập quỹ hoặc công ty quản lý quỹ bị giải thể, phá sản, bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ, tạm ngừng hoạt động hoặc do các lỗi kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin tại các tổ chức này hoặc các nguyên nhân bất khả kháng như hỏa hoạn, thiên tai, hoặc do ...thì lệnh giao dịch của nhà đầu tư được chuyển thẳng tới công ty quản lý quỹ hoặc tới ngân hàng giám sát.

 

Giao dịch chuyển nhượng đơn vị quỹ ETF trên Sở giao dịch Chứng khoán (giao dịch thứ cấp)

 

Nhà đầu tư, thành viên lập quỹ đặt lệnh giao dịch trên các tài khoản giao dịch chứng khoán của mình. Hoạt động giao dịch và thanh toán giao dịch thực hiện theo quy định về giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán;

 

Danh mục đầu tư của quỹ ETF phải phù hợp với danh mục của chỉ số tham chiếu về cơ cấu, tỷ trọng tài sản và bảo đảm mức sai lệch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 không vượt quá tỷ lệ tối đa quy định tại điều lệ quỹ, bản cáo bạch và không vượt quá 10%.

 

Danh mục đầu tư của quỹ ETF bao gồm các chứng khoán cơ cấu trong danh mục của chỉ số tham chiếu và các tài sản tài chính sau đây tại Việt Nam :

 

Tiền gửi, giấy tờ có giá, chứng chỉ tiền gửi, công cụ chuyển nhượng theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng được phát hành bởi các ngân hàng thương mại trong danh sách tín dụng đã được ban đại diện quỹ phê duyệt;

 

Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, đô thị; tín phiếu Kho bạc nhà nước;

 

Cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết của các tổ chức phát hành hoạt động theo pháp luật Việt Nam ;

 

đ) Chứng khoán phái sinh niêm yết và giao dịch tại các Sở Giao dịch Chứng khoán. Việc đầu tư vào chứng khoán phái sinh chỉ nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu.

 

Cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ ETF phải phù hợp với các quy định tại điều lệ quỹ và phải bảo đảm:

 

· Không đầu tư vào quá mười lăm phần trăm (15%) tổng số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức phát hành, ngoại trừ trái phiếu Chính phủ;

 

· Không đầu tư quá hai mươi phần trăm (20%) tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán phát hành bởi cùng một tổ chức, ngoại trừ trái phiếu Chính phủ;

 

· Không được đầu tư quá ba mươi phần trăm (30%) tổng giá trị tài sản của quỹ vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau, trừ trường hợp đó là chứng khoán cơ cấu nằm trong danh mục chỉ số tham chiếu và danh mục cơ cấu;

 

· Không đầu tư vào chứng chỉ của chính quỹ đó, hoặc của các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt nam;

 

· Không được đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch của công ty đại chúng, cổ phiếu của công ty cổ phần, phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn, trái phiếu phát hành riêng lẻ;

 

· Không được đầu tư vào chứng khoán phát hành bởi công ty quản lý quỹ, người có liên quan của công ty quản lý quỹ, thành viên lập quỹ trừ trường hợp đó là chứng khoán cơ cấu nằm trong danh mục chỉ số tham chiếu và danh mục cơ cấu;

 

· Tại mọi thời điểm, tổng giá trị cam kết trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh và dư nợ các khoản phải trả của quỹ, không được vượt quá giá trị tài sản ròng của quỹ.

 

Công ty quản lý quỹ không được phép vay để tài trợ cho các hoạt động của quỹ ETF, trừ trường hợp vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ. Tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ không được quá năm phần trăm (5%) giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm và thời hạn vay tối đa là ba mươi (30) ngày.

 

Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xác định giá trị tài sản ròng tham chiếu trên một đơn vị quỹ (iNAV) trên cơ sở giá thị trường của chứng khoán cơ cấu từ giao dịch được thực hiện gần nhất. Giá trị tài sản ròng tham chiếu trên một đơn vị quỹ chỉ là giá trị tham chiếu, không phải là giá trị để xác định giá giao dịch. Giá trị tài sản ròng tham chiếu được cập nhật tối thiểu mười lăm giây một lần (15s) và được công bố trên các trang thông tin điện tử của công ty hoặc trên hệ thống của sở giao dịch chứng khoán.

 

Trường hợp bị định giá sai, trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, kể từ khi phát hiện ra sự việc, tổ chức phát hiện sai sót (ngân hàng giám sát, hoặc sở giao dịch chứng khoán) phải thông báo và yêu cầu công ty quản lý quỹ kịp thời rà soát, điều chỉnh và công bố thông tin về các giá trị đã được điều chỉnh trên trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ, Sở giao dịch chứng khoán.

 

Ngân hàng giám sát được lựa chọn tổ chức tài chính trong và ngoài nước có chức năng lưu ký tài sản làm tổ chức lưu ký phụ, để lưu ký các tài sản trong nước và ở nước ngoài của quỹ.

 

Trách nhiệm của ngân hàng giám sát trong hoạt động lưu ký tài sản của quỹ:

 

Yêu cầu công ty quản lý quỹ thực hiện việc đăng ký tài sản của quỹ dưới tên của quỹ trong thời gian sớm nhất theo các điều khoản hợp đồng kinh tế giữa quỹ (thông qua công ty quản lý quỹ) và đối tác và theo các quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm toàn bộ tài sản của quỹ phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam phải được đăng ký sở hữu thuộc quỹ và lưu ký đầy đủ tại ngân hàng giám sát, kể cả các hợp đồng tín dụng, sổ tiết kiệm...

 

Ngân hàng giám sát chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ cho quỹ trong trường hợp làm thất thoát tài sản của quỹ đã lưu ký và gửi kho quỹ tại ngân hàng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, kể cả trong trường hợp do lỗi hoặc hành vi lừa đảo của nhân viên của ngân hàng, hoặc do sự cẩu thả, không cẩn thận của ngân hàng.


TTVN

Tin cùng chuyên mục