UBCK cần mạnh tay để thanh lọc hoạt động của khối CTCK

Các CTCK hiện đang chịu khó khăn đủ đường và không ít công ty hạng nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản. Tôi xin kể về một trường hợp mà tôi biết để các bạn có thể hình dung về thực trạng của các CTCK Việt Nam hiện nay.
Hàng loạt CTCK đang trên bờ vực phá sản vì sự hờ hững của các NĐT Hàng loạt CTCK đang trên bờ vực phá sản vì sự hờ hững của các NĐT

>> Cần chế tài đủ mạnh để minh bạch “sức khỏe” CTCK

>> Hơn 60 CTCK chưa công khai thông tin

>> Sức ép công khai CTCK không an toàn tài chính

Cô em gái tôi hiện làm kế toán tại một CTCK hạng nhỏ đang rất băn khoăn, vì cả tháng nay, Công ty liên tục bị ngân hàng đến đòi nợ. Tuần nào cũng có 3, 4 ngân hàng cử nhân viên đến hỏi thăm lãnh đạo Công ty và thúc giục trả tiền. Do đây là công ty nhỏ nên số nợ cũng chỉ vài chục tỷ đồng, tuy nhiên, theo lời cô em tôi thì doanh nghiệp hiện không còn gì mà trả nợ. Cô cũng như các đồng nghiệp khác đang băn khoăn, lo lắng không biết bao giờ Công ty sẽ phá sản, vì thế, họ cũng lo kiếm chỗ làm mới để tránh phải ra đường trong tương lai không xa.

Theo tôi, trường hợp trên không phải là duy nhất. Sự ra đời ồ ạt các CTCK trong giai đoạn thị trường bùng nổ, cùng với sự cạnh tranh không lành mạnh đã đẩy nhiều CTCK, đặc biệt là các CTCK nhỏ vào tình cảnh khó khăn khi TTCK tuột dốc.

Tương lai của những CTCK không cạnh tranh được trên thị trường đã được dự báo trước từ năm 2008, khi trào lưu thành lập CTCK trở thành mốt thời thượng thời bấy giờ. Tôi còn nhớ lúc đó, ĐTCK có bài viết, trong đó, một chuyên gia đến từ Đài Loan có nói, TTCK Đài Loan chỉ có 50 CTCK hoạt động, nhưng thị phần lại chủ yếu ở trong tay 15 CTCK. Ông dự đoán, ở TTCK Việt Nam sẽ có sự đào thải không ít CTCK khi thị trường qua thời hưng phấn thái quá. Việc đóng cửa những CTCK hoạt động kém hiệu quả là điều cần thiết, vừa tránh những hệ lụy do cạnh tranh không lành mạnh, vừa giúp chất lượng phục vụ nhà đầu tư tốt hơn và quan trọng là chỉ có những CTCK đủ năng lực tài chính mới được phép là thủ quỹ giữ hộ tiền mặt và chứng khoán cho nhà đầu tư.

Là nhà đầu tư, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin các CTCK không đạt chỉ tiêu an toàn tài chính vì những CTCK đó không thể là nơi tin cậy để gửi gắm tài sản của mình. Tuy nhiên, tôi cũng không hiểu vì sao thông tin công bố về sức khỏe tài chính của những công ty này không được UBCK công bố một cách công khai, chính thống. Nếu chỉ vì e ngại cho sự tồn tại của những công ty vốn đang rất ốm yếu, đang bên bờ vực đóng cửa mà cơ quan quản lý đóng lại thông tin quan trọng này thì sẽ rất thiệt thòi cho các nhà đầu tư.

Theo tôi, sớm hay muộn, những cá thể ốm yếu cũng sẽ bị thị trường đào thải, vì thế, rất cần sự dứt khoát, mạnh tay của UBCK để thanh lọc hoạt động của khối CTCK, phần nào hạn chế bớt những sự lộn xộn không đáng có trên thị trường. Có như thế mới mong TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh, sẽ giúp UBCK dễ quản lý hơn và trên hết, các quy định quản lý của cơ quan quản lý đưa ra không bị các CTCK tìm cách "lách", gây ra tình trạng thiếu công bằng và minh bạch trên TTCK.

Trọng Nghĩa, quận 1, TP. HCM
Trọng Nghĩa, quận 1, TP. HCM