Chắc hẳn đến thời điểm hiện tại, hầu hết ai cũng đã biết đến ChatGPT cũng như làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển như vũ bão. Quay lại quãng thời gian khi ChatGPT bắt đầu ra mắt vào cuối năm 2022, thời điểm lúc đó khá u ám với ngành công nghệ, hàng loạt công ty công nghệ bê bết, sa thải hàng loạt, cắt giảm chi phí, thua lỗ hàng tỷ USD. Sự xuất hiện của ChatGPT đã khiến mọi thứ thay đổi. Nó trở thành ứng dụng internet tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại khi đạt được mức 100 triệu người dùng chỉ trong hai tháng đầu. Facebook đã mất hơn 4 năm để đạt được con số này, Twitter mất hơn 5 năm, còn Instagram mất khoảng 2 năm.
Gần như sự xuất hiện của ChatGPT đã phát động cuộc cách mạng về AI trên toàn cầu. Tiềm năng của AI đã và đang thúc đẩy niềm tin của các quốc gia và tập đoàn. Từ những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon, đến các công ty khởi nghiệp mới nổi tại Thâm Quyến và Bengaluru, hàng loạt sáng kiến AI mới đã ra mắt trong năm 2023.
Nhìn vào sự thành công của ChatGPT lúc này, ít ai biết tỷ phú Elon Musk cũng đã từng là một thành viên của OpenAI (công ty phát triển chat bot ChatGPT). Musk đã làm việc với CEO của OpenAI là Sam Altman và các nhà sáng lập khác trong vài năm khi ChatGPT không phải là một công ty có mục đích lợi nhuận.
Quá trình hợp tác kéo dài đến năm 2018 thì kết thúc với việc rời đi của vị tỷ phú, cũng như toàn bộ cổ phần của Musk trong đó. Mặc dù lý do cho việc "chia tay" vẫn chưa bao giờ được công bố, nhưng nhiều lời đồn đoán cho rằng, Musk đã rời ChatGPT vì các công ty khác của ông cũng đang làm việc trong lĩnh vực AI. Thậm chí, nhiều người còn lấp lửng về những nguyên nhân sâu xa, ẩn chứa đằng sau câu chuyện. Mọi chuyện có lẽ vẫn sẽ nằm yên sau "cánh gà" nếu như tỷ phú Elon Musk không đưa ra quyết định khởi kiện OpenAI, công ty khởi nghiệp được Microsoft hậu thuẫn.
Theo đó, vào ngày 29/2 vừa qua, tỷ phú Elon Musk đã đệ trình lên tòa án ở bang San Francisco kiện công ty sở hữu chatbot ChatGPT. Cụ thể, theo như đơn kiện, OpenAI và Giám đốc điều hành Sam Altman đã đã vi phạm hợp đồng khi ưu tiên lợi nhuận và các lợi ích thương mại trong phát triển AI hơn là vì phục vụ người dân.
Đáp trả lại những cáo buộc trên, OpenAI cho rằng, chính ông Musk mới là người muốn OpenAI từ bỏ sứ mệnh của mình khi đề nghị sáp nhập với Tesla hoặc để ông nắm toàn quyền kiểm soát.
Được đăng tải trên một bài blog có tiêu đề "Elon Musk và OpenAI", các nhà sáng lập của công ty kiểm soát ứng dụng AI cho biết: "Khi thảo luận về cấu trúc lợi nhuận để thúc đẩy sứ mệnh, Elon muốn chúng tôi sáp nhập với Tesla hoặc ông ấy muốn kiểm soát toàn bộ, bao gồm quyền kiểm soát cổ phần đa số, quyền kiểm soát ban đầu của hội đồng quản trị và trở thành CEO. Điều này là không thể chấp nhận, bởi chúng tôi cảm thấy việc bất kỳ cá nhân nào kiểm soát tuyệt đối OpenAI là trái với sứ mệnh ban đầu".
Cũng trong blog trên, OpenAI lưu ý rằng, đến năm 2017, lãnh đạo công ty mới nhận ra việc để xây dựng AGI (một trí tuệ nhân tạo siêu thông minh và có ích cho nhân loại) sẽ cần dòng vốn lớn hơn rất nhiều so với những gì đang có.