Tỷ phú sống khổ trong những khu đô thị xa trung tâm

(ĐTCK) Khu đô thị mới nếu không đi kèm tiện ích thật chất lượng, thì cũng chỉ như cô gái có sắc mà không có hương. Vì vậy, hãy trở thành một cư dân thông minh trước khi trở thành người tiêu dùng thông thái.
Tỷ phú sống khổ trong những khu đô thị xa trung tâm

1. Vậy là bạn tôi quyết định xin học cho cô con gái về quận 5, cho dù hơi khó chút đỉnh vì trái tuyến. Ngôi trường được hướng tới không phải quá to tát gì, chỉ là tiện đường cho bạn đi làm.

Cách nay 8 năm, bạn tôi lấy chồng. Chồng cô là người đàn ông thành đạt, nhưng hơi gia trưởng. Anh có công ty ở 1 quận ngoại thành, nên xây nhà gần đó, dù cho đường xá khá bất tiện cho việc đi làm của vợ. Việc này cũng chẳng sao, “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Cô bạn tôi bán căn nhà trung tâm quận 1 ở suốt thời con gái để chăm chút cho tổ ấm của mình. Mỗi ngày đi xa thêm 30 phút nữa, cũng không có gì đáng phàn nàn, dù cho mùa mưa phải đối mặt với việc dắt bộ xe gắn máy lội nước thường xuyên.

Rồi cô con gái chào đời. Bé lớn lên ở vùng ngoại ô thanh bình. Xe cộ không nhộn nhịp, không khí yên ả vô cùng dễ chịu. Bé đi học ở trường mầm non công lập gần nhà. Việc đưa đón vô cùng dễ dàng, bởi chỉ đi chừng 5 phút đã tới trường. Bữa nào ba mẹ vắng nhà không về kịp, cô giúp việc chỉ cần đạp xe thong thả rước bé về, thật sự thuận tiện trong sinh hoạt đời thường.

Mọi chuyện chỉ bị đảo lộn khi cô bé lớn lên, vào lớp 1. Ngôi trường tiểu học được hiện hữu từ thời khu đô thị còn chưa hình thành, nên mang đậm phong cách nửa tỉnh, nửa quê. Thà rằng, cứ giống như trường làng thì tốt, sẽ là kỷ niệm ấu thơ khó quên. Nhưng tiếc rằng, ngôi trường ở vùng ngoại ô đang trong thời kỳ đô thị hóa, nên giống như thịt ba rọi: các cô giáo chạy theo bệnh thành tích một cách mù quáng, trong khi trẻ trâu thì ngơ ngáo chập chững bước vào đời.

Vì ở xa “mặt trời”, nên việc thanh kiểm tra cũng không được tới nơi, tới chốn, dẫn đến chuyện cô giáo ngang nhiên đánh đỏ lừ bàn tay không chịu viết bài của một cậu bé. Phụ huynh xáo xác, hoang mang, con trẻ thì sợ sệt không thích tới trường. Vậy là bạn tôi có quyết định thay đổi rất lớn: chuyển nhà theo con đến ngôi trường mới.

2. Khu đô thị ấy có sản phẩm đất nền hiện đang giao dịch trên thị trường không hề rẻ. Người ta vẫn tiếp tục mua đất và xây cất nhà, với giá trung bình 25 triệu đồng/m2. Đường xá trong nội bộ rất ổn, chỉ có điều dây điện còn chạy loằng ngoằng trên đầu. Mọi tiện ích đều có đầy đủ hết, dù không ưu việt: trường học, quán ăn, khu giải trí…, nhưng tất cả đều rất nửa vời.

Có lần, gia đình bạn hồ hởi điện thoại, nói rằng, có đoàn xiếc tới, đang quảng cáo vô cùng rôm rả nên mọi người cùng mời đi coi. Đoàn xiếc lấy nguyên một đoạn đường ở cuối khu đô thị để làm nơi biểu diễn. Để ngăn không cho khán giả coi cọp, ban tổ chức lấy các lều bạt chăng kín xung quanh. Số lượng khán giả tới xem xiếc bữa ấy đông kinh hoàng.

Nghe nhân viên bán vé nói, đã bán tới cả ngàn vé rồi và chỉ đồng hạng 150.000 đồng/vé. Không có chiếc ghế nào được sắp xếp cho khán giả ngồi. Toàn bộ cả ngàn con người háo hức, trong đó đa phần là trẻ em, đứng ngồi lố nhố trên những tấm bạt nhựa. Còn thua xa cả những buổi chiếu phim công cộng ở phía Bắc thời kỳ bao cấp.

Những doanh nhân có máu mặt trên thương trường, sống trong những căn villa to vật vã, tất cả đều phải chịu cảnh giải trí trong điều kiện nhếch nhác ấy. Khi chương trình biểu diễn mới diễn ra được ít phút, người ta bắt đầu bỏ ra về.

Làm sao mà chịu đựng nổi, khi cuộc sống hàng ngày của các khán giả nơi đô thị sang trọng, dù cách xa thành phố ấy, đã ở mức hưởng thụ rất cao rồi. Mà buồn nhất là so sánh giá vé ngồi vị trí đàng hoàng ở trong rạp xiếc trung tâm thành phố, chỉ có 80.000 đồng/vé đối với người lớn, còn trẻ em thì trên 6 tuổi mới tính 50%.

3. Một cuộc sống dư thừa vật chất, nhưng nghèo nàn về tinh thần và các giá trị tiện ích khác là sự thật hiển hiện trong các khu đô thị sang trọng cách xa trung tâm thành phố.

Tôi nhớ nghệ sĩ Chánh Tín đã từng mở 1 phòng trà gần nhà tôi, cũng ở trong khu đô thị mới ngoại thành. Tuy nhiên, dòng nhạc và cách tổ chức của ông rất hiện đại và “downtown” khiến việc kinh doanh ế chỏng ế chơ. Và rồi phòng trà ấy đã phải đóng cửa. Trong khi các quán nhậu bình dân, các nhà nghỉ bình dân, các nhà hàng trá hình, thì hoạt động ì xèo khắp các con đường trong khu này. Đến mức dân chơi đã đặt cho biệt danh là “tiểu Hồng Kông của Sài Gòn”.

Bao việc ấy, kết nối lại với nhau, tôi cảm thấy hoài nghi: phải chăng, người giàu mới nổi là tầng lớp chính đang quyết định việc sở hữu các bất động sản khu đô thị mới cách xa trung tâm thành phố? Còn dân trí thức, sau khi trải qua những bất ổn về tinh thần, lại tìm mọi cách để quay trở về nơi đã từng ra đi?

Nhà thơ Đinh Thu Hiền
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục