Tỷ phú Jack Ma vào cơn say mua sắm

Nếu sống tại Trung Quốc, bạn khó có thể thoát khỏi Alibaba. Đại gia thương mại điện tử này đang thâu tóm hàng tá dịch vụ, đủ để khiến mọi hoạt động hằng ngày của bạn đều dính dáng đến họ.

Tỷ phú Jack Ma vào cơn say mua sắm

Mạng lưới của Alibaba đang tăng nhanh nhờ chiến lược thâu tóm mạnh tay. Từ năm 2010, hãng đã chi 30 - 40 tỷ USD cho các vụ đầu tư và mua bán - sáp nhập (M&A), số liệu của Dealogic và Internet Retailer cho biết.

"Alibaba rất tham vọng. Họ thực sự muốn xây dựng một cộng đồng online có đầy đủ các dịch vụ thực tế bên ngoài. Tức là bạn mua được gì ngoài cửa hàng, thì cũng mua được thứ đó trên mạng", Nicole Peng - Giám đốc khu vực Trung Quốc tại hãng nghiên cứu công nghệ Canalys cho biết.

Mỗi sáng thức dậy, một cư dân thành thị bình thường tại Trung Quốc có thể xem thời tiết trên UCWeb, mua hoa quả tươi từ Yiguo.com, trả tiền taxi đi làm bằng Alipay hoặc thư giãn tại công ty bằng video trên Youku. Sau giờ làm, họ có thể về nhà ngủ trên tấm khăn trải giường mua từ Taobao. Kể cả các cửa hàng nhỏ ở nông thôn cũng đã bắt đầu mua bán trên Alibaba.

Để mở rộng dịch vụ, đầu năm nay, Alibaba đã chi một tỷ USD mua trang thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á - Lazada. Năm 2014, họ dùng 2 tỷ USD mua UCWeb - một trong những trình duyệt nổi tiếng nhất Trung Quốc. Thương vụ lớn gần đây nhất của họ là bỏ 5 tỷ USD mua Youku - phiên bản Trung Quốc của YouTube.

Peng cho biết các thương vụ của Alibaba đều nhằm bổ trợ lẫn nhau và cung cấp một vòng khép kín với các sản phẩm và dịch vụ. Công ty này bắt đầu mua sắm mạnh tay từ sau IPO kỷ lục năm 2014. Khi đó, các động thái này đã khiến nhiều nhà đầu tư khó hiểu.

Việc mua đội bóng đá Guangzhou Evergrande là bị chỉ trích nặng nề nhất. Có tin đồn rằng ông chủ Alibaba - Jack Ma đã thỏa thuận thương vụ trên bàn ăn và hoàn tất nó chỉ trong một cú điện thoại kéo dài 15 phút ngày hôm sau. Quyết định mua tờ báo Hong Kong - SCMP sau đó cũng khiến người ta nghi ngại.

Dù vậy, chiến lược của Alibaba tương đối có nguyên tắc. Thay vì mua ngay từ đầu, họ chỉ đầu tư một khoản nhỏ vào công ty mục tiêu. Sau đó, khi công ty này lớn mạnh, họ mới tăng cổ phần. Thương vụ với UCWeb là một ví dụ. Trước khi mua cả công ty, Alibaba đã sở hữu 66% rồi.

Cách tiếp cận này vừa giúp Alibaba hợp tác được với nhiều công ty, mà còn giảm được rủi ro nói chung.

Kerry Rice - nhà phân tích tại Needham & Company cho biết thách thức tiếp theo của Alibaba là tích hợp mảng giải trí và bất động sản của họ theo cách có thể tận dụng được kho dữ liệu người dùng khổng lồ. Ví dụ, nếu một fan hâm mộ của Guangzhou Evergrande xem trận bóng trên Youku, họ có thể thấy quảng cáo của Adidas hiện lên với đường link trực tiếp đến các website mua sắm của Aliababa.

Alibaba không phải là hãng công nghệ duy nhất tại Trung Quốc muốn mở rộng bằng M&A. Tencent cũng đã vượt ra ngoài ứng dụng nhắn tin trên di động, để trở thành hãng game máy tính và điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc bằng cách thâu tóm hàng loạt công ty game.

Trong một số trường hợp, Alibaba cũng đầu tư vào cùng một lĩnh vực như đối thủ. Ví dụ, cả họ và Tencent đều rót vốn vào hai ứng dụng đi chung xe tại Trung Quốc. Nhưng khi hai ứng dụng này sáp nhập, hai đại gia công nghệ cũng phải hợp lực theo.

Tuy nhiên, theo Peng, nhà đầu tư có lẽ sẽ phải đợi một thời gian nữa mới thấy được kết quả của các vụ thâu tóm này, do rất nhiều công ty mua về "vẫn chưa mang lại doanh thu lớn". Trong một sự kiện với các cổ đông gần đây, Alibaba còn nói rằng "M&A và các vụ đầu tư đều là vì mục đích chiến lược, và chưa bao giờ vì lý do tài chính".

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục