Ông Keith Johnson, một nhà đầu tư tiền kỹ thuật số Dogecoin, đã đệ đơn kiện tỷ phú Elon Musk và công ty Tesla cùng SpaceX, yêu cầu được bồi thường 258 tỷ USD, sau khi bản thân mất trắng vì đầu tư vào đồng tiền này.
Đồng Dogecoin vốn được tạo ra như trò đùa, song giá trị lại tăng sau khi được tỷ phú Musk hết sức ủng hộ.
Nguyên đơn yêu cầu tòa án New York phân loại đơn kiện của mình là một vụ kiện tập thể, do đơn kiện này đại diện cho những người đã chịu thua lỗ do đầu tư vào Dogecoin kể từ năm 2019.
Ông Johnson ước tính kể từ khi tỷ phú Musk bắt đầu ủng hộ loại tiền điện tử này, các nhà đầu tư đã chịu thiệt hại khoảng 86 tỷ USD. Do đó, ông muốn tỷ phú Musk hoàn tiền cho các nhà đầu tư, đồng thời bồi thường thiệt hại gấp đôi - thêm 172 tỷ USD.
Mặc dù được bắt đầu như một trò đùa vào năm 2013 - kết hợp giữa 2 hiện tượng Internet là Bitcoin và meme chú chó Shiba Inu, nhưng từ đó, đồng Dogecoin đã thu hút được lượng người theo dõi đủ lớn để giúp đẩy giá trị của đồng tiền ảo này lên cao hơn.
Dogecoin còn được sự ủng hộ của những người nổi tiếng như tỷ phú Musk, chủ sở hữu Dallas Mavericks Mark Cuban, ca sỹ nhạc rap Snoop Dogg và tay chơi guitar bass Gene Simmons của ban nhạc Kiss.
Kể từ khi xuất hiện, hầu hết thời gian giá trị Dogecoin chỉ dao động ở cỡ một phần nhỏ của 1 cent. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, giá trị loại tiền kỹ thuật số này đã tăng, và vào tháng 5/2022 đã lên đến 0,73 USD khi cổ phiếu GameStop tăng mạnh và sau khi ông Musk đăng tải những thông điệp liên quan đồng tiền này.
Tuy nhiên, đến ngày 16/6, giá trị Dogecoin sụt giảm mạnh, chỉ còn dưới 6 cent.
Nguyên đơn Johnson cho biết đã tin tưởng rằng sau khi tỷ phú Musk thể hiện ủng hộ với đồng Dogecoin, "giá trị vốn hóa thị trường và giao dịch khối lượng của đồng này" sẽ tăng.
Bên cạnh đó, ông Johnson cũng nêu tên công ty sản xuất xe điện Tesla và công nghệ SpaceX trong đơn kiện, nhắc tới việc Tesla cho phép giao dịch thanh toán bằng Dogecoin đối với một số sản phẩm phái sinh nhất định, trong khi SpaceX đặt tên một vệ tinh theo Dogecoin.
Ông Johnson ví Dogecoin như một mô hình kim tự tháp, vì tiền ảo không có giá trị nội tại và cũng không phải là sản phẩm.
Ngoài ra, đồng tiền ảo này không được tài sản hữu hình hỗ trợ và số lượng được phép đầu tư là không giới hạn, tiềm ẩn rủi ro đối với những người tin rằng có thể kiếm lời từ loại tài sản này.
Tại Mỹ, ngày càng nhiều nhà đầu tư đâm đơn kiện do cảm thấy bị lừa dối khi tin vào những giá trị hứa hẹn từ đồng tiền ảo.