Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc điều chỉnh này là nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng, từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng trước những biến động của thị trường, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững...
Mặt khác, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn hàng năm từ 3-5% không tác động nhiều đến hoạt động của các ngân hàng, cũng như nhu cầu vốn trung - dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác...
Thực tế, việc làm sao để cân đối được nguồn vốn luôn khiến các ngân hàng phải đau đầu khi cho vay trung - dài hạn chiếm tỷ lệ lớn, mà nguồn vốn huy động được chủ yếu là ngắn hạn.
Để đảm bảo đủ vốn trung - dài hạn, có thời điểm các nhà băng phải chạy đua huy động lãi suất cao ở kỳ hạn dài ngày từ 8-8,7%/năm, thậm chí lên tới 9-10%/năm đối với phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 2-3 năm.
Tuy nhiên, kể từ khi NHNN phát đi tín hiệu sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng, nhiều ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện nay, 14 ngân hàng có trụ sở trên địa bàn Thành phố đã đáp ứng, thậm chí giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn về dưới mức 40%. Theo ông Minh, việc các ngân hàng không dám “vượt rào” bởi nếu bị phát hiện sẽ bị cơ quan quản lý xử phạt nặng.
Số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy điều này. Đơn cử, tại Techcombank, huy động vốn đến cuối tháng 9/2019 đạt 218.700 tỷ đồng, giúp nhà băng này duy trì thanh khoản dồi dào và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 70,9%, thấp hơn đáng kể so với giới hạn 80% của NHNN.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Techcombank tính đến cuối tháng 9 ở mức 36,1%. Tại Vietcombank, Vietinbank hay HDBank, tỷ lệ này đều dưới mức 40%.
Số liệu công bố của NHNN tính đến cuối tháng 8/2019 cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn toàn hệ thống ngân hàng ở mức 27,61%, trong đó khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 30,91%, khối ngân hàng có vốn nhà nước đạt 30,61%, nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính là 36,75%...
Nhìn chung, tính đến nay, nhiều ngân hàng đã tuân thủ quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, song chủ yếu tập trung tại nhóm ngân hàng có quy mô lớn và vừa, trong khi nhóm quy mô nhỏ vẫn còn không ít ngân hàng chưa thể đáp ứng yêu cầu này.
NHNN đánh giá, một số ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã ký quá nhiều cam kết tín dụng, hợp đồng tín dụng, trong khi nguồn lực để thực hiện không đáp ứng đủ, dẫn đến mất cân đối nguồn vốn hay gặp rủi ro về kỳ hạn.
Khi đó, các ngân hàng này phải đi vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, làm gia tăng mặt bằng lãi suất, ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Trong 20 năm qua, NHNN đã 7 lần thay đổi quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung - dài hạn. Trong đó, giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2015, NHNN “mở” quy định về tỷ lệ giới hạn tại Thông tư 13/2010/NHNN. Sau đó, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/NHH quy định trở lại tỷ lệ giới hạn là 60%, rồi giảm về 45% và 40% từ ngày 1/1/2019.