Tỷ lệ tử vong gấp 8 lần mức trung bình thế giới, Nam Mỹ thành tâm dịch Covid-19 mới

0:00 / 0:00
0:00
Một số lý do khiến Nam Mỹ chứng kiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao là tốc độ tiêm chủng chậm, sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2, hệ thống y tế yếu kém, tỷ lệ béo phì cao hơn nhiều so với châu Phi và châu Á.
Một bệnh nhân tử vong do Covid-19 được đưa ra khỏi giường bệnh ở San Lorenzo, Paraguay, nơi hiện có tỷ lệ tử vong hàng ngày do dịch bệnh cao nhất thế giới. Ảnh: AP. Một bệnh nhân tử vong do Covid-19 được đưa ra khỏi giường bệnh ở San Lorenzo, Paraguay, nơi hiện có tỷ lệ tử vong hàng ngày do dịch bệnh cao nhất thế giới. Ảnh: AP.

Tâm điểm mới của đại dịch Covid-19

Trong khi Covid-19 đã giảm nhiệt ở nhiều nước, đại dịch lại đang hoành hành ở Nam Mỹ, nơi chỉ chiếm 5% dân số trên thế giới nhưng hiện ghi nhận 1/4 số ca tử vong do dịch bệnh trên toàn cầu.

Gần 1 triệu người đã tử vong do Covid-19 tại 12 quốc gia trong khu vực Nam Mỹ. Brazil, quốc gia cán mốc hơn 500.000 ca tử vong do Covid-19 vào cuối tuần qua, có tỷ lệ tử vong trên đầu người mỗi ngày cao gấp 7 lần so với Ấn Độ, đất nước vừa trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng. Colombia và Argentina, với tổng cộng 95 triệu dân, ghi nhận số người chết hàng ngày do dịch bệnh cao gấp 3 lần toàn bộ châu Phi.

Trong số 10 nước trên thế giới có tỷ lệ tử vong hàng ngày trên đầu người cao nhất, có 7 nước thuộc Nam Mỹ. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người của Nam Mỹ cao gấp 8 lần so với tỷ lệ trung bình trên thế giới.

Một số bệnh viện quá tải đã phải tạm dừng chăm sóc dự phòng cho các bệnh ung thư, khiến khu vực này có nguy cơ bùng phát nhiều vấn đề sức khỏe khác trong những năm tới.

Quốc gia có tỷ lệ tử vong hàng ngày do Covid-19 cao nhất thế giới hiện nay là Paraguay, với số ca tử vong trên đầu người cao gấp 19 lần so với Mỹ. Với 50 triệu dân, Colombia ghi nhận khoảng 4.200 ca tử vong do dịch bệnh trong tuần qua, nhiều hơn khoảng 50% so với toàn bộ châu Phi.

Nguyên nhân khiến Nam Mỹ chìm trong khủng hoảng Covid-19

Theo Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), trong khi một số quốc gia như Chile đã đạt được tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng, chỉ gần 1/10 người ở Mỹ Latin và Caribe đã được tiêm vaccine.

Giám đốc PAHO Carissa F. Etienne kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 đẩy nhanh việc cung cấp 1 tỷ liều vaccine mà họ đã cam kết tài trợ cho các nước đang phát triển tới cuối năm 2022. Nhà Trắng gần đây đã thông báo tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 quốc gia, nhưng chỉ có Bolivia và Guyana là những nước Nam Mỹ có trong danh sách này.

“Chúng tôi đã chìm trong khủng hoảng nhiều tháng. Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, việc phục hồi sẽ là một tương lai xa vời”, bà Etienne nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước.

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng ở Bogotá, Colombia. Ảnh: Getty Images.
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng ở Bogotá, Colombia. Ảnh: Getty Images.

Tại Argentina, nơi các số ca nhiễm SARS-CoV-2 đã tăng gấp 4 lần kể từ tháng 2, Tổng thống Alberto Fernández đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không đảm bảo đủ vaccine Covid-19 cho người dân. Gần 1/3 dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và chỉ 8% được tiêm chủng đầy đủ.

“Tôi cảm thấy hoàn toàn bị chính phủ bỏ rơi”, Kitty Sanjuas, một giáo viên tiếng Anh 73 tuổi ở thủ đô Buenos Aires, người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên vào tháng 4 và đang chờ tiêm mũi thứ hai, cho biết.

Một nửa số người lao động tại các quốc gia Nam Mỹ phải làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, bởi vậy việc giữ họ ở trong nhà để phòng dịch Covid-19 là một nhiệm vụ gần như bất khả thi trong năm 2020. Một số quan chức đã đặt cược vào khả năng miễn dịch cộng đồng, dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Victor Zamora, người từng là Bộ trưởng Y tế Peru hồi đầu đại dịch, cho biết, năm 2020 chính phủ chắc chắn rằng sẽ không có làn sóng Covid-19 thứ hai nên đã gác lại các hợp đồng xây dựng nhà máy mới để sản xuất bình oxy. Đó là một quyết định gây ra hậu quả chết chóc khi nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong vì thiếu oxy.

“Đó là một tính toán sai lầm của chính phủ. Đó là kết quả của một đánh giá rằng chúng tôi đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng”, ông Zamora nói.

Tới nay, Peru có số người chết vì Covid-19 trên đầu người cao bậc nhất trên thế giới. Quốc gia 32 triệu dân này ghi nhận hơn 190.000 ca tử vong do dịch bệnh, cao gấp 3 lần so với Nam Phi, đất nước đông dân hơn rất nhiều.

Tại Brazil, khi số ca nhiễm virus tăng ở thành phố Manaus vào năm 2020, Tổng thống Bolsonaro cũng khuyến khích giới chức địa phương thử nghiệm chiến lược miễn dịch cộng đồng, phản đối các biện pháp phong tỏa và đeo khẩu trang, đồng thời hạ thấp mức độ nguy hiểm của đại dịch, theo các tuyên bố được đưa ra trong một cuộc điều tra của Quốc hội Brazil.

Các chuyên gia y tế cho biết, những điều trên đã dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống y tế và sự xuất hiện của biến thể Gamma ở Manaus (trước đây gọi là P.1). Biến thể này đang lây lan nhanh chóng khắp khu vực Mỹ Latin.

Biến thể Gamma, hiện chiếm hầu hết các ca nhiễm virus mới ở Brazil, có khả năng lây lan cao gấp 2,2 lần so với các phiên bản SARS-CoV-2 trước đó. Brazil ghi nhận khoảng 2.000 người chết do Covid-19 mỗi ngày và tới nay có tổng cộng hơn 502.000 ca tử vong.

Tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất Nam Mỹ, hơn 300.000 người đã không quay lại tiêm mũi vaccine thứ hai. Các quan chức cho rằng, người dân có thể lo ngại sau khi chịu các tác dụng phụ từ lần tiêm đầu tiên hoặc họ quên.

Các nhà dịch tễ học cho biết đây là một xu hướng đáng lo ngại, đặc biệt khi Brazil và các quốc gia khác phần lớn phụ thuộc vào vaccine CoronaVac của công ty Trung Quốc Sinovac, mà một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả không cao sau mũi tiêm đầu tiên.

Các thành phố đông đúc tại khu vực Nam Mỹ đã thúc đẩy sự lây truyền của virus. Ngoài ra, vấn đề béo phì ngày càng tăng khiến người dân của khu vực này dễ bị tổn thương hơn trước Covid-19. Theo số liệu của PAHO, khoảng 60% người Mỹ Latin bị thừa cân. Ở Brazil, khoảng 2.000 người dưới 19 tuổi đã tử vong vì Covid-19, gồm 40% trong năm nay.

“Mọi người đều lo lắng cho người cao tuổi mà quên mất những người trẻ”, Angela Maria Massaneiro, thợ làm bánh 34 tuổi nói. Con gái 14 tuổi của cô, Jenyffer Massaneiro, đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt sau khi mắc Covid-19. Với các vấn đề về tim và nặng hơn 90kg, tình trạng của Massaneiro trở nên nghiêm trọng hơn sau khi nhiễm virus từ cha mẹ mình, nhưng cuối cùng cô bé đã vượt qua.

Victor Costa Júnior, trợ lý giám đốc tại bệnh viện nhi Little Prince ở thành phố Curitiba (Brazil), nói rằng trẻ em ở trong nhà càng lâu vì lệnh phong tỏa do Covid-19 thì vấn đề béo phì càng trở nên tồi tệ hơn. Bệnh viện này đã chứng kiến nhiều trẻ em tử vong do Covid-19 tính đến nay trong năm 2021 hơn so với cả năm 2020.

Người dân Mỹ Latin cũng đã chán với việc phải ở trong nhà. Vào tối 19/6, khi số người chết do Covid-19 ở Brazil vượt mốc 500.000, đám đông những người không đeo khẩu trang vẫn tụ tập như bình thường tại các quán bar và nhà hàng.

“Mọi người dường như không biết chuyện gì đang xảy ra”, Geci de Souza Junior, Giám đốc Bệnh viện Công nhân ở Curitiba (Brazil) nói.

Ông de Souza Junior tin rằng người dân sẽ đề phòng nhiều hơn nếu họ có thể nhìn thấy những tác động khủng khiếp của đại dịch.

“Giá mà mọi người có thể nhìn thấy những gì tôi điều trị cho bệnh nhân, da của họ bị thối rữa do vết loét vì nằm trên giường quá lâu sau khi được đặt nội khí quản”, ông de Souza Junior nói.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục