Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng: Nơi kẹt room, nơi ế khách

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi một số ngân hàng thương mại cổ phần đã kín room vốn ngoại, thì một số ngân hàng vẫn còn nguyên tỷ lệ sở hữu 30%.
Với room ngoại còn tới 29,4%, TPBank có nhiều dư địa để tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh Với room ngoại còn tới 29,4%, TPBank có nhiều dư địa để tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Điểm chung của tất cả ngân hàng là muốn cơ quan quản lý nới room ngoại để dễ bề bán vốn, nhất là khi sức ép tuân thủ chuẩn Basel II, tới đây là Basel III, ngày càng tăng cao.

Kẹt room, nhiều ngân hàng khó tìm đối tác ngoại

Hiện nay, trong số 31 ngân hàng thương mại ở Việt Nam, chỉ có 16 ngân hàng có cổ đông chiến lược. Ngay cả số ngân hàng có đối tác chiến lược, thì room vốn ngoại 30% vẫn chưa kín hết, tính cả các nhà đầu tư tài chính.

Khảo sát của Báo Đầu tư cho thấy, tại thời điểm ngày 17/12, trong số 27 ngân hàng niêm yết trên sàn, thì chỉ có 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Trong đó, một số ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại, như ACB, ABBank, VietinBank, Eximbank, MB, MSB, OCB, Techcombank, TPBank, Vietcombank.

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với ngân hàng nội hiện nay là 30%. Do tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã khá lớn, trong khi phải thúc đẩy tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã phải phải khóa "room" ngoại để "giữ chỗ" chuẩn bị bán vốn cho đối tác.

Đơn cử, tại VPBank, thời điểm tháng 5/2021, room ngoại của ngân hàng này là 20%. Tuy nhiên, để chuẩn bị bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài, ngân hàng này đã “chốt” room vốn ngoại là 15%. Tới đây, ngân hàng này tiếp tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh room ngoại, từ 15% lên 17,5%, nhằm chuẩn bị hiện thực hóa thương vụ.

Trước đó, một loạt ngân hàng cũng khóa room vốn ngoại thấp hơn mức 30% để sẵn sàng đón đối tác mới, như HDBank khóa "room" vốn ngoại mức 21,5%, Techcombank 22,49%, SHB ở mức 10%, SeABank ở mức 5%, LienVietPostBank 10%, VietCapital Bank 5%…

Ngoài các ngân hàng đã gần kín room vốn ngoại, trên thị trường vẫn còn rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí vẫn còn nguyên 100% room ngoại chưa sử dụng đến, như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank…

Một số ngân hàng dù còn nguyên room vốn ngoại vẫn đăng ký khóa bớt room để tạo không gian tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, vì lo sợ nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ lấp đầy room.

Dù đã kín room hay vẫn còn trống room, điểm chung của các ngân hàng này đều mong được nới room vốn ngoại hơn nữa, nhằm dễ bề xoay xở phương án tăng vốn bằng cách chào bán cho cổ đông nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho hay, rất nhiều nhà đầu tư ngoại đã nhờ chuyên gia này kết nối với một số ngân hàng trong nước để đàm phán mua bán - sáp nhập (M&A), song khi nghe đến giới hạn 30%, nhiều nhà đầu tư đã thoái lui..

Theo quy định hiện hành, tổ chức nước ngoài không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ, nhà đầu tư chiến lược không được sở hữu quá 20%, nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu này khiến nhà đầu tư ngoại không đủ sức để chi phối hoạt động của ngân hàng sau khi M&A.

Nới room ngoại, ngân hàng nào sốt ruột nhất?

Nới room ngoại ngày càng là nhu cầu bức thiết của các ngân hàng trong nước. Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp nhiều ngân hàng tăng vốn thuận lợi. Tuy nhiên, dư địa này đã dần thu hẹp khi nhiều nhà đầu tư bắt đầu “ngán” cổ tức.

Trong khi đó, áp lực tăng vốn của các ngân hàng vẫn rất lớn khi cơ quan quản lý ngày càng tăng sức ép áp dụng chuẩn Basel II, tiến tới là Basel III. Do đó, nới room để gọi vốn ngoại là giải pháp được nhiều ngân hàng mong đợi.

Nhu cầu xuất phát không chỉ từ các ngân hàng trong nước, mà cả từ nhà đầu tư ngoại. Thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã bày tỏ mong muốn Việt Nam nới room ngoại trong lĩnh vực ngân hàng. Gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm Hàn Quốc giữa tháng 12/2021, hàng loạt ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn của Hàn Quốc, như Shinhan Bank, Keb Hana, Woori… đều bày tỏ mong muốn được nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, room vốn ngoại thấp là nguyên nhân khiến các thương vụ M&A ngân hàng trầm lắng thời gian qua. Tỷ lệ sở hữu thấp khiến nhà đầu tư ngoại thiếu mặn mà.

Mặc dù làn sóng tăng vốn ngân hàng diễn ra rầm rộ thời gian qua, song theo chuyên gia này, áp lực tăng vốn vẫn rất lớn. Trong bối cảnh thị trường thuận lợi, mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngoại vẫn rất lớn, Chính phủ nên cân nhắc nới room ngoại để các ngân hàng có thể gọi vốn từ nhà đầu tư ngoại, tăng tiềm lực tài chính, tăng quy mô, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu Chính phủ đồng ý nới room, được lợi nhất là các ngân hàng TMCP quốc doanh, bởi dư địa tăng vốn của các ngân hàng này hạn hẹp hơn nhiều ngân hàng TMCP tư nhân. Đơn cử, Vietcombank 10 năm mới được các cơ quan nhà nước gật đầu chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, hoặc Agribank chật vật tăng vốn vì hoàn toàn phụ thuộc vào tiền ngân sách. Vì vậy, nếu nới room, các ngân hàng này sẽ có cơ hội bứt phá, tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu, nếu không sẽ ngày càng bị khối ngân hàng TMCP tư nhân vượt mặt.

Tuy vậy, xung quanh chuyện nới room cho vốn ngoại, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, nên tiến hành thận trọng, mở từng bước một với một số nhóm ngân hàng nhất định. Việc nới room ngoại quá lớn trên phạm vi rộng có thể gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục