Chẳng cần tốn nhiều công sức nghiên cứu, khảo sát cũng có thể thấy rằng, vật phẩm phong thủy phổ biến nhất ở Việt Nam hiện này là Tỳ Hưu. Tỳ Hưu là một trong những thần thú chiêu tài phát lộc, trấn trạch trừ tà theo quan niệm phong thủy và rất được ưa chuộng.
Nhìn chung, đa phần người ta vẫn sử dụng Tỳ Hưu với ý niệm đơn giản, cầu tiền bạc dồi dào. Nhưng thực ra, Tỳ Hưu gắn liền với nhiều truyền thuyết thú vị và đáng suy ngẫm. Tỳ Hưu vốn là một loài thần thú trong truyền thuyết của người Trung Hoa cổ đại, nó còn có những tên khác là Thiên Lộc, Tích Tà và Bách Giải. Tỳ Hưu có đầu rồng, thân ngựa, chân kỳ lân, hình dáng giống sư tử, lông màu xám trắng, có cánh ngắn, trên đầu có hai sừng.
Một điểm đặc biệt của Tỳ Hưu, đó là có miệng mà không có hậu môn. Có truyền thuyết cho rằng, Tỳ Hưu là đứa con thứ chín của Rồng, thích ăn vàng bạc châu báu, rất được Ngọc Hoàng yêu chiều. Thế nhưng ăn nhiều quá, đến một lần bị tiêu chảy, không kìm được mà… ị bậy.
Ngọc Hoàng nổi giận liền đánh mông Tỳ Hưu, cuối cùng mông bị bít kín lại, thế là về sau, bao nhiêu của nả vào mồm nó thì không ra được nữa. Nhưng cũng có nơi lại nói, Tỳ Hưu sinh ra đã không có hậu môn. Bởi đặc điểm này, Tỳ Hưu được coi là thần thú chiêu tài tiến bảo. Dân gian thường đặt tượng Tỳ Hưu trong nhà, hoặc đeo trang sức khắc hình Tỳ Hưu để cầu tài lộc chính là từ truyền thuyết này.
Tỳ Hưu là linh vật phú quý, đồng thời cũng là mãnh thú hung dữ. Người xưa thường so sánh quân đội dũng mãnh như Tỳ Hưu. Theo truyền thuyết, Tỳ Hưu đã lập công lớn, giúp Hoàng Đế Viêm Đế diệt Xi Vưu, bởi vậy nó được phong tên “Thiên Lộc”, nghĩa là phúc lộc trời ban.
Đến thời Thương, Khương Tử Nha giúp Vũ Vương đánh vua Trụ, trên đường hành quân vô tình gặp phải một con Tỳ Hưu. Thời đó, con người còn chưa biết đến Tỳ Hưu, Khương Tử Nha chỉ thấy dáng vẻ của nó oai vệ dũng mãnh, bèn thu phục nó làm thú cưỡi cho mình. Kể từ đó, hễ mang nó đi theo thì đánh trận nào thắng trận đó. Chu Vũ Vương bèn phong cho nó một chức quan, gọi là “Vân”.
Tỳ Hưu mỗi ngày đều ăn rất khỏe, nhưng lại không đi đại, tiểu tiện chút nào. Toàn thân nó bài tiết ra một thứ mồ hôi có mùi thơm vô cùng kỳ lạ, động vật xung quanh ngửi thấy mùi hương này đều bị dụ tới, cuối cùng bị Tỳ Hưu nuốt sạch. Do bản tính hung mãnh này, mà trong phong thủy, người ta cho rằng, Tỳ Hưu có thể trừ tà, trấn trạch, hóa sát.
Thời cổ, qua bao nhiêu triều đại, Tỳ Hưu vẫn luôn luôn được triều đình coi là biểu tượng may mắn, thường tạc một đôi Tỳ Hưu đặt trước cửa phủ tài chính để chiêu tài ích thọ, cầu cho quốc khố luôn luôn dồi dào. Bởi vậy, cất giữ Tỳ Hưu làm của riêng là tội chém đầu. Nghe nói, Hòa Thân từng lén cất giấu Tỳ Hưu trong nhà, cuối cùng giàu có vô kể, trở thành nhân vật “dưới một người, trên vạn người”.
Đến thời hiện đại ngày nay, tỷ phú Lý Gia Thành người Hồng Kông là 1 trong 10 người giàu nhất thế giới, nhưng ít ai biết, ông cũng là người sưu tầm nhiều Tỳ Hưu nhất thế giới. Nghe nói, số lượng Tỳ Hưu ông sở hữu lên đến 888 con, trong đó có một con thuộc đôi Tỳ Hưu mà Tưởng Giới Thạch từng sở hữu. Người Hồng Kông rất tin vào Tỳ Hưu, bày Tỳ Hưu đã trở thành một thói quen thường ngày của họ.
Trưng bày Tỳ Hưu có rất nhiều kiêng kỵ. Rất nhiều người cho rằng, bày Tỳ Hưu trong nhà nên để đầu Tỳ Hưu hướng về cửa chính để chiêu tài. Kỳ thực, đây là quan niệm sai lầm, cửa chính là nơi môn thần hoặc thần tài quản lý, Tỳ Hưu không thể can thiệp. Ngoài ra, không nên quay đầu Tỳ Hưu về phía giường ngủ, nhà vệ sinh, hoặc chính bản thân mình.
Tỳ Hưu có thể làm bằng đá, đồng, sứ, thạch anh, gỗ quý hoặc ngọc quý. Ngày nay, Tỳ Hưu bằng đá thạch anh rất được ưa chuộng, giá cả của nó lại mềm hơn so với những loại chất liệu khác quý giá hơn. Một viên Tỳ Hưu nhỏ bằng thạch anh có giá khoảng vài trăm nghìn, nhưng ngọc Tỳ Hưu loại quý có thể lên đến chục triệu đồng.
Dù sao, Tỳ Hưu cũng chỉ là một linh vật truyền thuyết, được tạo dựng lên bằng niềm tin và trí tưởng tượng của con người suốt hàng ngàn năm với mong ước một cuộc sống sung túc, đủ đầy và bình an. Dù có bày Tỳ Hưu hay không, thì điều quan trọng nhất vẫn là cái tâm của con người. Tỳ Hưu là thần thú, đặc tính nổi bật là có ăn vào mà không thải ra, nhưng nên nhớ, người ta có câu, có vay có trả, không thể chỉ được mà không mất. Có lẽ, cái mà Tỳ Hưu đem đến cho con người không phải là bản thân tiền tài, mà cơ hội để có được tiền tài, liệu có bền lâu được hay không, còn phải dựa vào cái tâm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com